Lạm dụng hóa chất trong sản xuất rau
Không thể phủ nhận, sự tiến bộ về trình độ thâm canh, việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng, đặc biệt là rau. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là việc người nông dân đang quá lạm dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất kích thích gây ra sự mất an toàn trong các sản phẩm nông sản nói chung và rau xanh nói riêng, đồng thời tác động xấu đến môi trường.
Cận cảnh các vùng chuyên canh rau
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng rau phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình vào một buổi sáng cuối tháng 4, vụ này, bà con ở đây chủ yếu trồng hành, dưa chuột, đậu đỗ, cải và một số loại rau ăn lá mùa hè. Trong vai một người đi tìm mua rau, tôi lân la bắt chuyện với một nông dân ở xóm Thiện Trạo 1.
Sau những dè dặt ban đầu, câu chuyện trở nên cởi mở hơn. Với câu hỏi: "Dưa chuột ở đây có an toàn không?", tôi nhận được câu trả lời khá thật thà: "Cũng còn tùy, nói chung nếu cô quen thì họ mới phun thuốc họ sẽ bảo mới phun chưa ăn được nhưng nếu cô không quen thì họ phun hôm qua, hôm nay họ vẫn bán cho cô".
Chị nông dân này chia sẻ thêm: "Giống dưa chuột mau lớn lắm, nếu 1-2 ngày không hái là quả bị già ngay, nên phun thuốc hôm nay ngày mai vẫn phải hái mang ra chợ bán. Nhưng dưa còn đỡ, vì khi phun thuốc còn có lá che đi chứ rau ăn lá mới sợ. Nói chung, không nên ăn rau cải trái vụ. Đánh thuốc nhiều lắm!..."
Tiếp tục đến với cánh đồng trồng rau ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô. Vùng này, một vài năm trở lại đây, diện tích cây rau được mở rộng và trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người nông dân. Quang cảnh thật đã mắt, những luống rau xanh mướt, các loại rau, quả như rau cải, rau muống, mùng tơi, dền, dưa chuột, mướp đắng… hầu như đều có cả.
Tuy nhiên, để ý quan sát kỹ bên cạnh những luống rau xanh thì dọc các đường bờ be dẫn tới ruộng, ở các ao lấy nước la liệt các chai lọ, túi vỏ bao bì thuốc trừ sâu, phân bón lá, thuốc kích thích… được người trồng rau phun xong vứt bừa bãi.
Điều đó cho thấy sự "ưu ái" của nông dân với các loại hóa chất phun cho rau. Tại một ao lấy nước thuộc thôn Vân Thượng, một bác nông dân đang cầm trên tay 4-5 gói thuốc để pha chuẩn bị phun cho rau bao gồm cả thuốc trừ sâu, trừ rầy, thuốc nấm.
Bác này cho biết: Đây mới là lần đầu, phải đánh 3-4 lần thuốc nữa may ra mới được ăn. Trong khi đó cũng theo bác này thì trồng 1 lứa rau cải chỉ mất vẻn vẹn hơn một tháng.
Tiếp xúc với một nông dân khác, tôi hỏi bí quyết để có được luống rau xanh non, không bị già và ra hoa sớm thì được bật bí: "Phải bón nhiều lân, đạm; cứ 5 -7 ngày bón đạm 1 lần thì lá mới xanh và ra nhiều nhánh được".
Có phần hoang mang trước tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất tại các vùng rau, tôi có trao đổi với một số người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ hỏi ngược lại tôi: "Nhà báo đã trồng rau bao giờ chưa?". Tôi thú thật là ở nhà tôi cũng tự trồng rau để ăn, song không có kinh nghiệm nên mặc dù bỏ ra rất nhiều công sức nhưng rau thường lớn nửa chừng tự nhiên héo rũ, chết hoặc bị sâu, bọ trĩ ăn trụi lá, chẳng thu hoạch được bữa nào.
Họ cho biết: Thực tế rau trồng mà muốn được thu hoạch chắc chắn phải phun thuốc, bón phân. Rau phun thuốc không có nghĩa là rau không an toàn. Vấn đề ở đây là làm sao để tuyên truyền, vận động, quản lý người nông dân pha chế, phun tưới đúng liều lượng, tuân thủ đúng thời gian cách ly.
Khó quản lý
Theo Chi cục BVTV tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 378 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Các cửa hàng này cung ứng khoảng 400 hoạt chất và 600 tên thương phẩm các loại. Số lượng, chủng loại thuốc BVTV nhiều như vậy khiến cho người nông dân rất khó trong việc lựa chọn.
Mặc dù hàng năm các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc đều được tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn và phổ biến các văn bản pháp luật mới về thuốc BVTV nhưng vẫn còn những cửa hàng hướng dẫn không đúng, cố tình chỉ định hỗn hợp nhiều loại thuốc để chuộc lợi.
Đáng lo ngại nhất là có một số cửa hàng vẫn lén lút kinh doanh nhiều loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm có độc tính cao như: clo hữu cơ, lân hữu cơ... Đây là những loại thuốc đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT cấm sử dụng trên rau. Nhóm thuốc này còn có đặc tính là chậm phân hủy (phải từ 10 đến 15 ngày sau khi phun) và sử dụng với liều lượng khá cao mới có hiệu quả.
Vì vậy, phun cận ngày thu hoạch thường để lại dư lượng rất cao trong rau, từ đó rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Trong khi đó, nông dân trồng rau ở nhiều nơi vẫn có thói quen dùng thuốc trừ sâu bừa bãi, không có ghi chép, không tuân thủ đúng thời gian cách ly.
Ngoài ra, ô nhiễm trên rau còn bắt nguồn từ việc lạm dụng phân bón. Gần ngày thu hoạch, nông dân "thúc" nhiều phân đạm để rau có được màu xanh đậm, dễ bắt mắt. Các loại rau này thường bị nhiễm hàm lượng nitrat rất cao, ăn vào là có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc nhẹ thì mãn tính.
Tại Khoản 2, Điều 8, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 có nêu rõ UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng BVTV đối với cộng đồng, môi trường; quy định địa điểm thu gom, tổ chức, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương…
Tuy nhiên thực tế, tại các địa phương nhiệm vụ này hầu như bị buông lỏng, tất cả hoạt động sản xuất của người nông dân phụ thuộc vào chính lương tâm của họ.
Năm 2015, qua thanh tra, kiểm tra và lấy mẫu kiểm định dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả của Chi cục BVTV tỉnh: Đối với việc sử dụng thuốc BVTV của các hộ nông dân, có 4/21 hộ vi phạm vì sử dụng phương tiện phun thuốc không đảm bảo an toàn, hỗn hợp nhiều loại thuốc để phun, phun trừ chưa đúng thời điểm, trang thiết bị bảo hộ lao động khi đi phun thuốc còn thiếu, vứt vỏ bao bì thuốc bừa bãi trên đồng ruộng.
Kết quả kiểm định 8 mẫu thuốc BVTV có 1/8 mẫu không đạt tiêu chuẩn công bố áp dụng. Lấy 8 mẫu rau, quả tại phường Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình và xã Yên Thắng, huyện Yên Mô đưa đi kiểm định tại Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc thì 7/8 mẫu phát hiện dư lượng thuốc BVTV, trong đó có 2 mẫu có dư lượng BVTV vượt mức tối đa cho phép (theo quy định tại Đài Loan).
Để cộng đồng được sử dụng rau sạch
Việc sản xuất nông nghiệp sạch nói chung và rau sạch nói riêng hiện nay đang là yêu cầu cấp bách của toàn xã hội, vì sức khỏe cộng đồng và sự bền vững của môi trường. Rau sạch không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng mà còn vì lợi ích của người sản xuất. Vì vậy, ngành nông nghiệp và PTNT Ninh Bình và các địa phương đã và đang có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nhanh chóng phát triển các mô hình sản xuất rau sạch.
Cửa hàng rau sạch của Công ty Hoàng Lê tại phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Đường
Xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật mới cho rau an toàn
Trước hết xin giải thích rõ hơn về các khái niệm rau sạch, rau an toàn, rau VietGAP và rau hữu cơ. Rau an toàn (safe vegetable) là rau được sản xuất với công nghệ vẫn còn sử dụng hóa chất nông nghiệp nhưng hạn chế, hợp lý hơn và sản phẩm đến người tiêu dùng phải đảm bảo 3 chỉ tiêu an toàn về dư lượng NO3, kim loại nặng, dư lượng hóa chất BVTV, dư lượng vi sinh vật gây bệnh cho người không vượt mức cho phép và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ.
Rau VietGAP là rau được sản xuất, chế biến với công nghệ sạch theo quy trình VietGAP được chứng nhận. ở loại này coi trọng cả tiêu chuẩn ATTP, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm tiêu thụ ở các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn cao cấp và xuất khẩu.
Rau hữu cơ là rau được sản xuất với công nghệ hoàn toàn không sử dụng hóa chất nông nghiệp, trong môi trường sinh thái sạch và an toàn, sản phẩm tuyệt đối an toàn với người tiêu dùng, không có các dư lượng độc hại và đảm bảo khả năng truy tìm xuất xứ.
Còn từ "rau sạch" ở đây là để chỉ cả 3 loại rau: rau an toàn, rau VietGAP và rau hữu cơ. (Theo ông Trương Quốc Tùng, Phó Chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam).
Thực tế nhu cầu rau sạch hiện nay rất đa dạng nhưng nhìn chung nhu cầu rau sạch tiêu dùng phổ cập trong cộng đồng (RAT) vẫn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70-80% sản lượng) còn nhu cầu rau sạch cao cấp (rau VietGAP, rau hữu cơ) chỉ chiếm một phần nhỏ.
Như vậy, để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng rau sạch của đông đảo mọi người, phải có nhiều người biết làm và tham gia làm rau sạch, làm rau sạch tại từng nông hộ nhỏ, trên diện tích đại trà ngoài đồng ruộng, nhà lưới, nhà kính.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT cho rằng: Về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện chúng ta đặt ra cho loại rau an toàn đại trà quá cao, rập khuôn như rau VietGAP, phải đảm bảo cả chỉ tiêu về ATTP, vệ sinh môi trường, lao động, xuất xứ… là rất khó thực hiện, nhiều chi phí nên đến nay, diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn ở Ninh Bình khá khiêm tốn, chỉ vài chục ha.
Do vậy, thời gian tới cần xây dựng bộ tiêu chí khác, đơn giản tối đa về quy trình kỹ thuật sản xuất cũng như chứng nhận, chỉ cần trước hết là tiêu chuẩn ATTP để đông đảo nông dân có thể áp dụng. Đây là loại rau tiêu thụ rộng rãi ở các quầy rau sạch, các chợ hay khu chợ nông sản sạch có kiểm soát.
Tăng cường sự tham gia của các chủ thể
Chương trình sản xuất rau sạch, rau VietGAP ở Ninh Bình đã được triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên kết quả còn nhiều hạn chế, chưa thành công, nhiều nơi, nhiều khi thất bại. Chính quyền các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện, khiến việc áp dụng quy trình này chưa rộng rãi, chủ yếu mới dừng lại ở bước xây dựng các mô hình.
Người trồng rau phần lớn đã biết đến quy trình sản xuất rau an toàn thông qua các lớp tập huấn và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa nhận thức được đầy đủ và chưa thực sự quan tâm đến sản xuất rau an toàn. Các đại lý vật tư nông nghiệp vẫn còn tình trạng tư vấn sai, trộn lẫn nhiều loại thuốc cùng một lúc, bán một số loại thuốc ngoài danh mục.
Bên cạnh đó, hệ thống tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm, còn thiếu nhiều cửa hàng bán rau an toàn ở các khu đô thị, khu công nghiệp cũng như các chợ trung tâm. Đa phần rau an toàn ở các mô hình đều gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ…
Hiện, tổng diện tích gieo trồng rau đậu các loại hàng năm của Ninh Bình đạt khoảng 10.000 ha, sản lượng trên 141 nghìn tấn/năm nhưng diện tích được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn còn khá khiêm tốn, chỉ trên dưới 10 ha.
Ngoài một số ít xã có diện tích chuyên canh rau củ quả có quy mô khá như Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh, Khánh Nhạc của huyện Yên Khánh; phường Ninh Sơn, Ninh Phúc của thành phố Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô thì phần lớn vẫn đang sản xuất trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư từ kết cấu hạ tầng đến công tác hoạch định, chỉ đạo sản xuất.
Đang còn tồn tại những rào cản nhất định khiến các chủ thể ít tham gia vào việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch. Do vậy, để phát triển rau sạch nhanh, bền vững, phù hợp với điều kiện của tỉnh ta, thiết nghĩ thời gian tới ngành nông nghiệp và các địa phương cần sớm xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.
Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách, chủ trương, khung pháp lý đối với việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh rau sạch theo hướng phát triển rau sạch cộng đồng.
Tổ chức rộng rãi mạng lưới kinh doanh rau sạch bao gồm siêu thị, quầy bán rau an toàn, chợ hoặc khu chợ bán rau an toàn với hình thức kinh doanh, bao bì đóng gói và giá cả phù hợp. Đây là công việc trọng tâm cần đầu tư vì hiện nay đang là rào cản chủ yếu đối với phát triển rau an toàn.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho nông dân và người tiêu dùng. Tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng và phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát sản xuất, kinh doanh rau an toàn.
Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm rau, thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng, kịp thời truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục đối với các cơ sở sản xuất vi phạm.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc BVTV; giám sát việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón của người nông dân trong sản xuất; thực hiện giám sát cộng đồng đối với việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau trên địa bàn quản lý.
Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, ATVSTP trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2016, hai xã Khánh Thành của huyện Yên Khánh và Yên Thái của huyện Yên Mô được chọn để triển khai thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp đảm bảo ATVSTP.
Theo đó, một tổ công tác của Sở Nông nghiệp &PTNT bao gồm các thạc sỹ, kỹ sư có trình độ về cắm chốt tại địa bàn hai xã này nhằm hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất rau, thịt, thủy sản an toàn; nông dân cũng đã cùng nhau ký cam kết thực hiện đầy đủ để đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn, có sổ nhật ký theo dõi, ghi chép đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất…
Nếu mô hình này thành công, đây sẽ là cơ sở để các địa phương trong tỉnh nhân ra diện rộng, hình thành một cộng đồng sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, đáp ứng được mong mỏi của người tiêu dùng.
Hà Phương