Tại đây, Thủ tướng đã đi kiểm tra việc đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh này về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm và các giải pháp những tháng cuối năm 2008. Báo cáo với Thủ tướng và Ðoàn công tác Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Nguyễn Minh Quang cho biết: Sau gần 5 năm chia tách tỉnh, đến nay Lai Châu đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã khai thác tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là phát triển nghề rừng (gần 350.000 ha) gắn với chăn nuôi đã đưa độ che phủ lên hơn 40%. Mới đây, tỉnh đã trồng được hơn 1.500 ha cao-su, phấn đấu đến năm 2010 trồng hơn 5.000 ha vì loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng và đang được coi là cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chậm, cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực phát triển chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Ðời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo 43,5%, riêng huyện Mường Tè có số hộ nghèo hơn 70%.
Ðể tạo điều kiện khai thác và phát huy tiềm năng thế mạnh, Lai Châu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển cây cao-su, tái định cư xây dựng các công trình thủy điện, chính sách khoanh nuôi và bảo vệ rừng và đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm như: Tuyến đường Pa Tần-Mường Tè, thị xã Lai Châu-cửa khẩu Ma Lù Thàng, bệnh viện đa khoa tỉnh...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu... Nổi bật là GDP tăng trưởng hơn 10% cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, bảo đảm an ninh lương thực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, y tế-giáo dục được nâng lên rõ rệt, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững chắc, quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)...
Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế của Lai Châu về hạ tầng, nguồn nhân lực và quy mô kinh tế nhỏ. Nhưng Lai Châu có rất nhiều tiềm năng để đi lên xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững, đó là đất đai và tài nguyên rừng, khoáng sản...
Thủ tướng gợi ý tỉnh cần phát triển rừng kinh tế và môi trường, trong đó môi trường phải được tính trên bài toán kinh tế. Theo đó, các xã nghèo được T.Ư hỗ trợ để giữ rừng phòng hộ còn lại là phát triển trồng 20.000 ha cây cao-su, cây công nghiệp (trẩu) gắn với phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê... Ngoài ra chú trọng phát triển thủy điện, khai khoáng các dịch vụ du lịch giao thương với tỉnh Vân Nam, kinh tế cửa khẩu...
Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm, tỉnh rà soát nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, sản xuất nông nghiệp, trồng cao-su, đồng thời đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư (1.300 tỷ đồng), trong đó các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trồng rừng...
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt công tác di dân tái định cư gần 9 nghìn hộ dân nhằm bảo đảm di dân đúng tiến độ, tái định cư để đồng bào có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ phục vụ việc ngăn sông thủy điện Sơn La vào năm 2010 và xây dựng thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng.
Thủ tướng cho biết, T.Ư sẽ hỗ trợ đối với 61 huyện khó khăn của cả nước, trong đó có Lai Châu nhưng địa phương phải quyết liệt chỉ đạo giảm nghèo nhanh hơn và chăm lo giáo dục đào tạo, nhất là các trường nội trú cho con em đồng bào các dân tộc. Tiếp tục hỗ trợ Lai Châu đầu tư hạ tầng giao thông, điện... "Ðất nước ta còn nghèo nhưng dứt khoát không để đồng bào ta đói, vấn đề còn lại là phải đưa đúng đối tượng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giải đáp một số kiến nghị của Lai Châu nhằm tạo điều kiện cho tỉnh khai thác và phát huy các tiềm năng thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Lai Châu và các tỉnh trong vùng.
Theo TTXVN