Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,62%, (vượt chỉ tiêu). Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất tăng 7,2% so với năm 2021. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy, hải sản; tốc độ tăng trưởng đạt 3,04% (vượt chỉ tiêu). Phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất và vượt kế hoạch đề ra.
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 281 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có 7 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt gần 3,15 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021 và vượt 12,5% kế hoạch. Du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc được tổ chức, chất lượng được nâng lên. Lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch và lưu trú, ăn uống tăng cao. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng gấp 3,7 lần so với năm trước. Thu ngân sách ước đạt 24.500 tỷ đồng, vượt 22,4% so với dự toán và tăng 16,9% so với năm trước. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, đúng định hướng, trở thành động lực, mở ra cơ hội phát triển mới của tỉnh...
Lĩnh vực văn hóa xã hội có bước phát triển tiến bộ và đạt được những kết quả mới. Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm, giữ vững chất lượng dạy và học; kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022, điểm trung bình các bài thi đạt 6,98 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc (tăng 1 bậc so với năm 2021). Ngành y tế đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng dịch cho các đối tượng; có nhiều tiến bộ trong công tác khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và nhất là triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định. Đời sống nhân dân ổn định, nhiều mặt được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 (áp dụng cho giai đoạn 2022-2025) giảm xuống còn 2,45% (vượt kế hoạch đề ra).
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm được triển khai thực hiện và bước đầu có kết quả tốt. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Ninh Bình có tiến bộ. Công tác đối ngoại được triển khai tích cực, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư được đổi mới toàn diện cả về nội dung và phương thức. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo....
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ mà năm 2022, Ninh Bình đạt được những kết quả phát triển kinh tế xã hội cao, toàn diện đã khẳng định hướng đi và các giải pháp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra là đúng, trúng và hiệu quả, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cho những năm sau.
Chúng ta đã bước sang năm 2023 và đang ở thời điểm trước thềm của Tết Nguyên đán Quý Mão. Đây là năm bản lề của nhiệm kỳ 2020-2025, có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và có thể còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn năm trước. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta phải đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả với các giải pháp đúng đắn, đồng bộ và bước đi chắc chắn, kịp thời, bài bản, nhất định tỉnh Ninh Bình sẽ vượt qua khó khăn, biến các nguy cơ, thách thức trở thành tiềm năng, cơ hội để phát triển.
Một yếu tố có ý nghĩa quyết định là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; triển khai thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh là: "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất"....
Từ nền tảng là kết quả phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 và thành tựu của 30 năm tái lập tỉnh; từ những bài học kinh nghiệm của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong năm qua và bằng sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng năm 2023, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tạo thêm nhiều thành tựu mới trên con đường đi đến mục tiêu "trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng".
Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023; công văn số 1089-CV/TU ngày 24/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 19- CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Nguyễn Đông