Bước vào căn nhà nhỏ của ông, ấn tượng đầu tiên chính là những hình ảnh gắn bó với thời quân ngũ được bày trí trang trọng, đó là bức ảnh đen trắng về chiếc tàu không số do Hải quân Mỹ chụp lại mà ông được tặng trong dịp kỷ niệm 50 thành lập đơn vị, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì cùng nhiều bằng khen, giấy khen...
Lần theo từng kỷ vật đó, ông kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian rất đỗi tự hào trong cuộc đời mình. Năm 1963, ông nhập ngũ vào quân chủng Hải quân, đóng tại Hải Phòng. Sau thời gian huấn luyện, ông được cử đi học y tá và vinh dự được xuống tàu không số công tác. Trên con tàu huyền thoại đó, ông vừa là pháo thủ, vừa là y tá. Cùng với đồng đội của mình, ông Thông đã tham gia thực hiện nhiều chuyến vượt biển chi viện vũ khí cho miền Nam, góp phần viết nên huyền thoại về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển Đông khiến kẻ thù vừa khiếp đảm, vừa khâm phục.
Cuối năm 1963, "quốc sách ấp chiến lược" của Mỹ - Ngụy phá sản, kéo theo những thất bại nặng nề trên chiến trường, báo hiệu sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Sau những thất bại đó, Mỹ - Ngụy cho rằng, mối nguy cơ đe dọa chúng chính là sự chi viện từ miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, bước vào năm 1964, chúng chủ trương tiến hành một chiến dịch bóp nghẹt, kiểm soát chặt chẽ biên giới đất liền và tăng cường tàu tuần tiễu mặt nước, các bến bãi, chống thâm nhập bằng đường biển.
Liên tiếp trong 4 năm từ 1965 đến 1968 ông Thông đã 6 lần lặng lẽ chào bến cảng ra đi làm nhiệm vụ trong tâm thế sẵn sàng hy sinh. Bước sang năm 1968, ông được cử đi học y sĩ ở Sơn Tây. Năm 1971, ông Thông được Cục Quân y cử vào chiến trường miền Đông Nam bộ làm nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh và tiếp quản các kho thuốc và các bệnh viện của địch ở những nơi quân ta giải phóng. Và thêm một lần nữa trong cuộc đời quân ngũ của mình ông được có mặt, được chứng kiến và trực tiếp tham gia vào thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Ông Thông nhớ lại giờ phút quân giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn được nhân dân tay cầm cờ hoa vẫy chào. Niềm vui của quân và dân như vỡ òa khi cánh cổng Dinh Độc lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Ngụy Sài Gòn bị xe tăng ta húc đổ, lá cờ bách chiến bách thắng của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh độc lập, báo hiệu Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã hoàn toàn thắng lợi.
Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục ở lại miền Nam công tác thêm một thời gian. Đến năm 1983, ông rời quân ngũ với chế độ bệnh binh và trở về quê hương. Hiện ông và gia đình đang sinh sống ở phố Đông Hồ, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình. Hàng ngày người cựu chiến binh này vẫn đều đặn tham gia các độngở phố, phường và vẫn duy trì việc khám, chữa bệnh cho đồng đội và bà con trong khu phố.
Đào Duy