Đi qua hơn 5 thập kỷ mà ký ức của thời lấn biển vẫn còn nguyên đó với thời gian, ấm nồng mà tha thiết lạ. Gặp lại những người lính trẻ năm xưa, thuộc thế hệ đầu tiên về đây quai đê mở đất giờ đã lên cụ, lên ông, mái đầu đã bạc trắng như cước, duy chỉ có đôi mắt vẫn ánh lên những tia sáng, cháy khát niềm tin và khát vọng. Cụ Trần Đĩnh năm nay đã vào tuổi 80, là một trong những đồng chí lãnh đạo đầu tiên của Đoàn ủy và Ban Chỉ huy đơn vị tình nguyện của Bộ Quốc phòng về quai đê lấn biển Bình Minh. Qua câu chuyện thân tình với cụ Trần Đĩnh, mới thấy hết tầm nhìn có tính chiến lược của Đảng ta thời đó với vùng đất mở Kim Sơn. Trước khi rời Hà Nội, các đồng chí trong Đoàn ủy đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng cục Chính trị, đã được các đồng chí nêu rõ viễn cảnh của vùng bãi bồi Kim Sơn không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh-quốc phòng mà đây còn là vùng đất mở thứ 2 của Tổ quốc sau mũi Cà Mau. Ngày đó, những người lính tiền trạm thuộc Cục Nông binh- Bộ Quốc phòng về khảo sát, chuẩn bị cho chiến dịch quai đê không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây. Đứng trên đê Cồn Thoi những chiều nước xuống, cả một vùng bãi bồi trải ra hút tầm mắt, phù sa ánh lên như màu mật ong tươi đỏ mà ngọt đằm hương biển. Bác Đĩnh cho hay, nhìn cảnh đầm bãi, anh em liền liên tưởng đến ý thơ Xuân Diệu, bởi vùng bãi bồi nơi cửa biển này cũng là mái thuyền đang tiến ra phía biển, là "mũi hài của Tổ quốc chưa bao giờ khô bùn vạn dặm". Theo các chuyên gia thời đó, ước tính mỗi năm, bãi bồi Cồn Thoi tiến ra biển từ 80 đến 100m. Những con số ấy đã khơi dậy trong lòng những người đi lấn biển niềm khát vọng lớn lao trên con đường mở đất làm giàu cho Tổ quốc, quê hương. Nhưng hàng vạn cán bộ, chiến sỹ từ Cục Nông binh, từ Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) và thanh niên xung phong từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình về đây lấn biển quai đê phải trải qua không ít thách thức, khó khăn, xóm nhỏ đìu hiu, thảng hoặc mới có một bóng người, phía trước là cả một bãi bồi hoang lạnh, sóng biển dữ dằn. Không lùi bước trước những thách thức nghiệt ngã, giá lạnh thấu xương, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong vẫn dựng lán trại dọc theo đê Cồn Thoi tiến hành quai đê, lấn biển.
Ngày lễ ra quân cả tuyến đê Cồn Thoi dài hàng chục km rực rỡ cờ bay, rộn ràng trống hội và cả một biển người, đi tiên phong là những người lính tay mai, tay móng ngâm mình trong nước đóng cọc quai đê. Những ụ đất đầu tiên được đắp lên, nhưng đến đêm khi sóng biển dâng cao, bao công sức của con người lại cuốn hết theo dòng nước. Rút kinh nghiệm, để ngăn những cơn sóng dữ cuốn trôi, mỗi khi con sóng dâng cao, bộ đội, thanh niên lại nắm tay nhau, giăng thành đứng chắn con sóng dữ, giữ cho từng mét đê đứng vững trước sóng dập, gió vùi.
Suốt gần một năm trời, không quản ngày đêm, mưa nắng ngâm mình trong bùn đất, sóng gió, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đã tiến hành hàn khẩu, hoàn thành việc quai đê biển Bình Minh, dài hàng chục km chạy suốt từ cửa Đáy đến cửa Càn mở ra một vùng đất rộng trên 2.000ha. Sau khi lực lượng dân công rút đi, chỉ còn bộ đội, thanh niên xung phong tình nguyện ở lại xây dựng vùng quê mới. Bắt đầu những ngày đào sông, đắp đường, thau chua rửa mặt, sớm đưa vùng đất sa bồi màu mỡ vào canh tác. Vào đầu năm 1960, Nông trường quân đội Cồn Thoi, đặt dưới sự chỉ đạo của Cục Nông binh- Bộ Quốc phòng được thành lập. Những "Anh bộ đội cụ Hồ" từ muôn nẻo về đây, trong đó số đông là những người con miền Nam tập kết.
Vào giữa năm 1960, sau khi ổn định quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông trường quân đội Cồn Thoi được đổi tên thành Nông trường Bình Minh. Những người lính vừa đi qua cuộc kháng chiến 9 năm, quê từ miệt vườn Nam Bộ, từ khu 5 cát trắng, nắng vàng đã cùng với những chàng trai cô gái trong đội thanh niên xung phong tình nguyện đã ở lại dựng xây quê mới. Cả một hệ thống cầu, cống, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa được xây dựng hoàn thiện. Hàng ngàn ha đất sa bồi được "ngọt hóa", tiếp tục được phù sa của sông Hồng, sông Đáy bồi đắp ngày thêm màu mỡ, phì nhiêu. Bài ca xây dựng nông trường vẫn vang lên mỗi ngày mỗi tối "Bình Minh ơi hồng lên từ chân sóng/ Mảnh đất này đỏ nặng những phù sa". Sau những năm đầu đi vào canh tác, cả Bình Minh đã ngời lên trong màu xanh của lúa, của cói, của dừa.
Những giống cói được lấy từ Nga Sơn, bên kia sông Càn gốc thon, thân tròn, vươn cao trên vài mét trải ra như những tấm thảm vững vàng trước sóng gió bão giông. Những chiều đông rét ngọt, đi dọc theo những bờ lô thoang thoảng hương đồng, hương cói mà thấy ấm lòng. Hoa cói màu nâu, mọc trên đài lá, hương hoa cói thơm ngọt, lan tỏa trong không gian, làm cho ai đến đây một lần đều không nguôi nhớ đến hình ảnh cây cói thân thuộc "cói không nhiều lá nhiều cành/ Cây dồn lên ngọn để dành cho hoa".
Vào mùa thu cói, được ngày nắng đẹp, không khác gì trời cho của bởi những sợi cói chẻ ra, được nắng, sợi xoăn lại, trắng xanh, ánh lên, giúp cho các sản phẩm được chế biến từ cói thêm đẹp, thêm bền, đặc biệt là các mặt hàng chiếu cải, chiếu hoa lê, con cờ, chiếu đậu, các loại làn, hộp, đĩa… Từ giữa những năm 1960 của thế kỷ 20, hàng cói Kim Sơn đã theo những con tàu viễn dương đến Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Ngày nay hàng cói Kim Sơn lại tiếp tục có mặt ở thị trường Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Âu, Mỹ xa xôi, mỗi năm thu về hàng chục triệu USD.
Ngày ấy, cây trồng chủ chốt trên đồng đất Kim Sơn, đồng đất nông trường vẫn là cây lúa. Trung tá Võ Bính, Chủ tịch đầu tiên của nông trường đã khẳng định trước Đảng bộ, công nhân phải huy động ít nhất từ 800 ha trở lên để trồng lúa bởi không chỉ nuôi sống cán bộ, công nhân nông trường mà phải giành phần lớn lương thực, đóng góp cho tiền tuyến nuôi quân đánh giặc. Hàng năm, hàng nghìn tấn thóc được phơi khô, sấy sạch chuyển vào kho Nhà nước.
Ở đây, ngoài những giống lúa truyền thống gạo thơm, cơm dẻo, còn nổi tiếng với những giống đặc sản như Tám thơm, Dự Hương, nếp hoa cau, hạt gạo trắng xanh, nhỏ như sợi chỉ, một mùi thơm thoáng nhẹ, lan xa. Về với Kim Sơn, về với Bình Minh được thưởng thức một bát cơm gạo dự, gạo tám, được uống một li rượu chưng cất từ thứ nếp cái hoa vàng thì dư vị của nó sẽ theo bạn đi suốt chặng quê biển.
Sau ngày tái lập tỉnh 1992, theo bước chân những người lấn biển năm xưa, Đoàn 500 và nhiều đơn vị bộ đội thuộc Quân khu III đã về đây vượt sóng dữ, nắng mưa đêm ngày vật lộn với bùn, đất lần lượt quai đê Bình Minh II, Bình Minh III, mở ra hàng chục ngàn ha. Người từ muôn nẻo về đây, có cả giáo lương cùng chung sức, chung lòng đoàn kết bên nhau dựng xây quê mới. Đến với các xã vùng bãi ngang Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông trước thềm Xuân Giáp Ngọ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh làng quê trù phú, bởi hệ thống ao đầm được xây, kè cẩn thận, với những cánh đồng lúa cói, những vườn cây trái xum xuê, đằm trong sương mai lóng lánh. Từ lâu, Kim Sơn đã nổi tiếng với nhiều loại đặc sản như tôm rảo, cua rèm, cá vược, cá nhệch, cá bớp, cá nhậu…
Trước thềm Xuân Giáp Ngọ, cái Tết năm con ngựa với khát vọng vươn xa, về với Bình Minh, với các xã bãi ngang, lòng không khỏi bồi hồi nhớ về những năm tháng gian khổ, những anh Bộ đội cụ Hồ qua nhiều thế hệ, cùng với hàng vạn thanh niên tình nguyện, dân công từ mọi miền quê trong và ngoài tỉnh về đây vượt lên sóng, gió, bùn đất ngập đến nửa thân người mà quai đê, lấn biển, lập nên những làng quê mới, trù phú, giàu đẹp như hôm nay. Ký ức về một vùng quê biển mãi còn nguyên với thời gian, mãi là động lực đưa chúng ta vượt lên trên con đường xây dựng dải đất tiền duyên này thành một trọng điểm kinh tế, một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Ninh Bình.
Lê Liêu