Chiến tranh đã lùi xa hơn 36 năm, song ký ức hào hùng về một thời máu lửa vẫn hiện hữu, sống động mãnh liệt trong tâm trí của những cựu chiến binh (CCB) Đoàn tàu không số. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961_23-10-2011), chúng tôi đã tìm gặp và trò chuyện cùng 2 trong số 44 CCB Đoàn tàu không số hiện đang sinh sống tại Ninh Bình.
Vinh dự 2 lần được vượt biển cùng thuyền trưởng Phan Vinh
Trong căn nhà nhỏ ở xóm Thông, xã Khánh Cư (Yên Khánh), ông Hà Văn Bằng, người chiến sĩ pháo thủ của Đoàn tàu không số năm xưa bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời cùng đồng đội vượt biển, mang hàng, chở vũ khí, đạn dược vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm nay đã gần tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Bằng còn rất minh mẫn. Giọng kể rành rọt, rõ ràng, qua câu chuyện của ông, chúng tôi phần nào hình dung được những gian khổ, khó khăn, thử thách ngặt nghèo và những chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu không số. Mỗi bước sóng, mỗi chuyến hàng, đòi hỏi người chiến sĩ trên các con tàu không số phải luôn căng thẳng đấu trí với địch, dũng cảm, can trường để những con tàu cập bến an toàn. Từ một trai làng nhập ngũ vào bộ đội còn nhiều bỡ ngỡ, sau một thời gian huấn luyện, chiến sĩ trẻ Hà Văn Bằng đã trở thành pháo thủ, biên chế về Đoàn 125 và được tuyển chọn tham gia Đoàn tàu không số. Ông đã có 5 chuyến cùng đồng đội vượt biển, trong đó có 4 chuyến thành công. Có rất nhiều kỷ niệm về những ngày tham gia tàu không số, nhưng với ông kỷ niệm sâu sắc nhất là hai chuyến vượt biển dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, người anh hùng của biển cả. Năm đó là thời điểm giáp Tết ất Tỵ (1965), Tàu 68 do anh Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng, sau khi hoàn thành chuyến đưa vũ khí, trở về, sau khoảng 1 tháng, cán bộ, chiến sĩ nhận được lệnh tiếp tục đi thêm một chuyến nữa đưa hàng vào bến Trà Vinh.
Các CCB Đoàn tàu không số và thân nhân trong buổi gặp mặt Kỷ niệm 50 ngày mở "Đường Hồ Chí Minh trên biển", tại Ninh Bình. Ảnh: Thế Minh Theo lời kể của ông Bằng, đây là một chuyến đi đặc biệt, bởi tàu của ông nhiều lần gặp tàu địch và đã thoát hiểm thành công nhờ sự mưu trí, dũng cảm của tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Trong đó, sự tính toán tài tình, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán của thuyền trưởng Phan Vinh đóng vai trò quan trọng. Nói về sự mưu trí của thuyền trưởng Phan Vinh, ông Bằng nhớ lại, khi Tàu 68 vào đến khu vực biển miền Nam, ông và một đồng chí đang ngồi trực trên mũi tàu thì phát hiện có tàu địch. Thuyền trưởng Phan Vinh ra lệnh cho tàu mở lái sang hướng khác để tránh đụng độ tàu địch. Đi được một lúc lại thấy 2 chiếc tàu khác của địch bám đuổi theo. Thủy thủ lại được lệnh mang hết lưới, thúng, bao giong lên boong thuyền giả làm tàu đánh cá. Trong lúc đang phải đối phó với 2 chiếc tàu của địch thì thủy thủ phát hiện có tiếng máy bay. Thuyền trưởng Phan Vinh lệnh cho mọi người xuống hết khoang, chỉ để lại một người ở trên giả chờ quan sát cá. Máy bay địch từ phía trên phóng thẳng xuống gần mũi tàu, thuyền trưởng lệnh không được bắn. Sau này ông Bằng và các thủy thủ trên tàu mới biết là máy bay địch hạ xuống chụp ảnh tàu chứ không phải là tấn công tàu. Ngay sau khi máy bay địch đi, thuyền trưởng Phan Vinh ra lệnh sơn lại mặt boong tàu, thay biển số và mở hướng khác chạy vào bờ. Cũng trong chuyến đi đặc biệt đó, Tàu 68 còn 2 lần "thoát hiểm" nhờ sự mưu trí, dũng cảm và vững vàng của thuyền trưởng Phan Vinh, mang hàng cập bến Trà Vinh an toàn trong niềm vui của đồng bào, đồng chí ở miền Nam.
Chuyến đi nhiều kỷ niệm đó cũng là chuyến đi cuối cùng của ông Bằng cùng thuyền trưởng Phan Vinh. Sau đó anh chuyển sang biên chế ở tàu khác. Năm 1968, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã anh dũng hy sinh ở vùng biển Hòn Hèo cùng Tàu 235 trong một trận chiến sống mái với kẻ thù. Năm 1970, Trung úy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong ký ức của ông Bằng, người anh hùng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mãi mãi là tấm gương sáng về sự mưu trí, lòng quả cảm, đức hy sinh, quyết tử cho đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau này, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa được mang tên anh, đảo Phan Vinh.
Chuyến đi đặc biệt sau "sự kiện Vũng Rô"
Cùng nhập ngũ và được biên chế về Đoàn 125 với ông Hà Văn Bằng còn có khoảng hơn chục người con ưu tú của Ninh Bình. Trong số đó có ông Nguyễn Quang Mùi, hiện đang ở phố Bắc Thành, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình. Hôm chúng tôi đến, cả hai vợ chồng ông Mùi đều ở nhà. Theo dòng hồi ức, ông Mùi nhớ lại quãng thời gian tham gia Đoàn tàu không số, với 5 chuyến vượt biển, mang hàng cập bến an toàn. Trong số đó, chuyến mà ông khắc sâu nhiều kỷ niệm nhất là chuyến đi mở đường sau sự kiện tàu ta bị lộ ở Vũng Rô năm 1965. Đây là một chuyến đi đặc biệt, bởi sau sự kiện Vũng Rô, Quân ủy Trung ương quyết định tạm dừng việc vận chuyển vũ khí, hàng hóa quân sự vào Nam để nghiên cứu phương thức vận chuyển mới. Sau 8 tháng tạm dừng, ngày 15-10-1965, Tàu 42 vinh dự được giao nhiệm vụ đi chuyến mở đường, chở 60 tấn vũ khí và 4 quả thủy lôi vào chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ được giao là vận chuyển hàng đồng thời nghiên cứu tuyến đường vận chuyển mới, làm tiền đề cho những chuyến đi sau nhưng phải đảm bảo bí mật, bất ngờ. Nhận nhiệm vụ trên giao, cán bộ, chiến sĩ Tàu 42 rất vinh dự nhưng cũng không ít lo lắng. Tàu có 16 cán bộ, chiến sĩ do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và chính trị viên Trần Ngọc Ẩn chỉ huy, đi theo phương pháp hàng hải thiên văn, tức là đi theo các vì sao. Cùng đi trên con tàu 42 năm đó còn có 2 đồng chí quê Ninh Bình, đó là thợ máy Nguyễn Văn Vinh và y tá Bùi Khắc Thông. Dịp này đang thời kỳ gió mùa đông bắc, con tàu chao lắc như đưa võng. Nhiều ngày chống chọi với sóng gió, hầu hết các thủy thủ dù đã được đi biển nhiều chuyến nhưng vẫn nôn ra mật xanh, mật vàng. Ông Mùi nhớ lại: Lúc đó trên tàu chỉ còn lại thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và tôi là không say sóng, nên thay nhau vừa lái tàu, vừa đảm nhận việc nấu cơm. Tàu cứ đi lòng vòng ở hải phận quốc tế, hòa vào dòng tàu buôn nước ngoài ngược - xuôi trên biển. Mặc dù cải trang, song máy bay, khu trục Mỹ vẫn nghi ngờ, bám riết theo tàu. Thi gan với địch hơn 3 ngày, tàu địch chịu thua, bỏ đi. Thuyền trưởng hạ lệnh chuyển hướng vào hải phận miền Nam. Vào chưa được bao lâu, Sở chỉ huy thông báo có nhiều tàu địch, Tàu 42 lại quay hướng trở ra vùng biển quốc tế. Tiếp tục mấy ngày lòng vòng, đến ngày thứ 9, tàu ở vị trí cách hải phận miền Nam chừng 50 hải lý, ngang Cà Mau. Tàu 42 được lệnh tiến vào Cà Mau. Gần tới khu vực Hòn Khoai, các thủy thủ trên tàu phát hiện thấy vệt đèn di chuyển phía trước, tất cả được lệnh vào vị trí chiến đấu. Tàu 42 đã lọt vào giữa vòng vây của địch. Chi ủy hội ý chớp nhoáng và quyết định cho tàu giảm tốc độ, chạy vòng theo hướng bao vây của địch, tới gần bờ, thuyền trưởng lệnh tắt đèn hành trình, quặt tay lái tăng tốc vào bờ. Khi con tàu đã lọt vào trong cửa Bồ Đề, có chiếc thuyền nhỏ chạy tới, ánh đèn pin lóe lên, chúng tôi nhận ra ám hiệu của bến. Như vậy là sau gần 10 ngày lênh đênh trên biển, mưu trí, dũng cảm đối phó với địch, Tàu 42 đã cập bến Rạch Kiến Vàng (Cà Mau) an toàn. Ngoài súng đạn, đây là lần đầu tiên, các thủy thủ tàu không số đưa được thủy lôi vào cho bộ đội đặc công thủy.
Chuyến đi mở đường thắng lợi của cán bộ, chiến sĩ Tàu 42 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ta đã nắm được quy luật hoạt động của địch để tìm cách ứng phó linh hoạt. Sau chuyến đi này, Ban Chỉ huy Tàu 42 được đi báo cáo kết quả với Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được Bác Hồ tặng cho mỗi thủy thủ một bao thuốc lá có ghi dòng chữ "Bác Hồ tặng".
Lời kết
Câu chuyện của CCB Hà Văn Bằng và Nguyễn Quang Mùi chỉ là hai trong số rất nhiều chuyện kể của các CCB Đoàn tàu không số. Với họ, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, cán bộ, chiến sĩ không chỉ đấu trí với kẻ thù mà còn phải vượt qua chính mình, vượt qua bao sóng gió, thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt. Mỗi chuyến đi còn là một huyền thoại cùng với bao câu chuyện kể về lòng quả cảm, sự mưu trí, sáng tạo; là những câu chuyện hết sức cảm động về nghĩa tình đồng đội, tinh thần vượt khó, chịu đựng gian khổ và đức hy sinh cao quý. Có những lúc trực diện với kẻ thù, tình huống hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ tàu không số sẵn sàng biến cả con tàu thành khối lửa khổng lồ để lao thẳng vào tàu địch, bảo vệ bí mật con đường. Trong những tháng năm vận chuyển trên biển, có nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Họ là những đóa hoa bất tử đã góp phần làm nên những chiến công huyền thoại, truyền thống vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số có người tiếp tục ở lại phục vụ trong quân ngũ, có người chuyển ngành, cũng có người phục viên trở về quê hương. Dù làm gì, ở đâu, họ vẫn luôn sáng mãi truyền thống anh hùng của Đoàn tàu không số, của "Bộ đội Cụ Hồ" trên trận tuyến mới hôm nay.
Thu Thủy