Xuân về, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với những người con đất Ninh Bình đã từng làm nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi. Tết năm nay họ đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình nhưng Tết ở Trường Sa vẫn để lại trong lòng mỗi người những ấn tượng đậm nét, trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời người lính.
Vừa trở về từ đảo Phan Vinh thuộc Quần đảo Trường Sa, Trung úy Bùi Xuân Bính (xã Liên Sơn, Gia Viễn) không giấu nổi những cảm xúc ùa tới khi Tết đến, xuân về. Bằng giờ này năm ngoái, anh đang cùng đồng đội chuẩn bị đón Tết trên đảo. Mỗi đoàn khách từ đất liền ra chúc Tết, đến rồi đi là mỗi lần anh em chiến sỹ trên đảo thêm lưu luyến, trào dâng những cảm xúc nhớ nhà, nhớ đất liền. Những lời chúc, những lá thư là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho mỗi chiến sĩ để họ chắc tay súng bảo vệ vùng biển trời thân yêu của Tổ quốc.
Anh Bính tâm sự, những ngày giáp Tết chỉ mong có một người cùng quê trong các đoàn khách đến thăm để có thể gửi một món quà từ hải đảo xa xôi về quê hương, mang theo cái vị mặn mòi của biển vào trong bữa tiệc cuối năm của gia đình. Anh em nơi đây ai cũng mong được ăn Tết cùng gia đình, nhưng tất cả đều gạt tình cảm riêng tư vì nhiệm vụ chung, làm nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Sự quan tâm kịp thời từ đất liền là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho anh em chiến sĩ trên đảo vui xuân, đón Tết.
Theo những lời tâm sự của anh Bính, chúng tôi hiểu rằng những người làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa phải là những người lính biết vượt lên mọi gian khó bởi trên quần đảo này có những điều rất đỗi bình thường với cuộc sống trên đất liền nhưng giữa biển khơi mênh mông thì không hề bình thường một chút nào. Một tiếng gà cục tác, một tiếng lợn ủn ỉn đã từng là mong ước của lính đảo, một ngọn rau xanh, một miếng thịt lợn tươi trước đây chỉ có trong các dịp Tết khi tàu chở hàng ra cho bộ đội đón xuân.
Những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo Phan Vinh (Trường Sa).
Bây giờ, theo cách nói của những người lính Trường Sa "ngày nào bộ đội cũng có Tết", bởi bữa ăn hằng ngày đều có rau, có thịt để ăn. Ngoài những giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ ai nấy đều tăng gia sản xuất vì thế mà rau xanh, thịt tươi tuy chưa "thoải mái" như đất liền nhưng cũng liên tục là món "cải thiện". Vì thế mà khi chuẩn bị đón Tết, cán bộ, chiến sỹ ở đây cũng tổ chức gói bánh chưng với đầy đủ nguyên, vật liệu chỉ có khác ở đất liền gói bánh bằng lá dong thì ở đảo gói bằng lá bàng vuông. Khi trò chuyện với chúng tôi, anh Bính như sống lại một khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm: Từ 29 Tết trở đi, trên đảo không kém gì đất liền, cũng có các món giò, chả, nem, bánh chưng… nhưng đều là "cây nhà lá vườn" do chính bàn tay chiến sỹ làm nên. Anh nói: Những sản phẩm "made in Trường Sa" giữa trùng khơi này sẽ làm ấm áp thêm nỗi lòng của người xa quê khi Tết đến, xuân về…Thời khắc giao thừa khi cán bộ, chiến sỹ quây quần quanh chiếc ti vi xem truyền hình trực tiếp không khí đón Tết tại các đầu cầu, nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước không ít chiến sỹ đã rơi nước mắt vì xúc động, nhớ nhà.
Thiếu tá Nguyễn Bảo Thắng, công tác tại Thành đội Ninh Bình đã có những cảm xúc như thế khi lần đầu tiên ăn Tết trên đảo. Bây giờ, khi đã sum họp cùng gia đình anh vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm đẹp cùng đồng đội đón Tết trên đảo Len-đao, một đảo chìm thuộc Quần đảo Trường Sa.
So với đảo nổi và đảo lớn thì bộ đội ở đảo chìm vất vả hơn cả nhưng cuộc sống của cán bộ, chiến sỹ thì rất lãng mạn. Anh Thắng kể với chúng tôi ở đảo chìm phải dùng khay compozit, khay gỗ chứa đất, dùng áo mưa, tăng võng bạt để che gió, chống nước biển tạt hơi mặn nhưng màu xanh mơn mởn của các loại rau khiến cho nơi đây như một nốt "tròn" trên khuông nhạc màu xanh của sóng.
Anh Thắng vẫn còn nhớ kỷ niệm về chậu hoa mai mà anh dày công chăm sóc tại đảo chìm để mỗi khi Tết đến nơi đây có đào, có mai làm rạng rỡ thêm sắc màu ngày Tết. Anh bảo gốc mai ấy mang ra từ thành phố Vũng Tàu, mấy xuân rồi đều ra hoa tuy không nở rộ như trong đất liền nhưng cũng đủ giúp cán bộ, chiến sỹ lấp đi khoảng trống xa nhà. Khi trở về đất liền anh xin mang theo chậu mai về làm kỷ niệm nhưng đồng đội anh giữ lại bởi đây là "điều không thể thiếu" trong mỗi dịp Tết ở đây.
Tết ở Trường Sa không cầu kỳ nhưng cũng đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, mâm ngũ quả và quan trọng hơn cả là họ được đón nhận những tình cảm nồng hậu, thương yêu từ đất liền xa xôi gửi theo những con tàu cập bến tại đảo. Và nhiều người gọi mùa Tết ở Trường Sa là "mùa mưa thư" bởi mỗi chiến sỹ đều nhận được rất nhiều thư từ bạn bè, người thân nơi đất liền gửi về với những lời chúc mừng năm mới nồng ấm. Anh Thắng kể với chúng tôi năm nào trên đảo cứ khi Tết đến, xuân về là chiếc cổng chào lại được trang hoàng lộng lẫy nổi bật câu đối "Tết đến Len-đao chắc tay súng/Xuân về quê hương trọn niềm tin". Chuẩn bị đón Tết, doanh trại trên đảo được khoác lên mình màu vôi ve mới, hoa phong lan và nhiều loại hoa, cây cảnh đua nhau khoe sắc xen lẫn với những vạt rau xanh.
Anh Thắng nói như khoe: Tết trên đảo bây giờ chỉ có gạo nếp là phải chuyển từ đất liền ra, còn các loại lương thực, thực phẩm bảo đảm thường xuyên và chế biến cỗ Tết, bộ đội trên đảo đều tự túc được. Tết ở đảo năm nào cũng khá tươm tất, làm ấm lòng những chiến sỹ nơi đây.
Mặc dù không được trực tiếp đón Tết cùng những người lính đang làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa nhưng qua những hồi ức như vẫn còn vẹn nguyên của những chiến sỹ đã từng chắc tay súng để bảo vệ vùng biển đất nước, chúng tôi đã có những hình dung tương đối đầy đủ về Tết của họ để thấy rằng Trường Sa không xa.
Những người lính đã từng làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa đều mang niềm tự hào vì đã vững vàng nơi đầu sóng trên "chiến hạm xanh" vì sự bình yên, trường tồn của quê hương, đất nước.
Quỳnh Thu