Năm 1975, chúng tôi đang là những học sinh cuối cấp III. Chỉ còn ít tháng nữa là chúng tôi mỗi người sẽ theo một con đường mà mình đã lựa chọn. Nhiều người đặt đơn thi vào các trường đại học, trung cấp, có người đặt hồ sơ đi học ở nước ngoài, một số người thì đã sẵn sàng gia nhập quân đội sớm nhất khi có điều kiện, có người trúng tuyển phi công khi còn đang đi học.
Một hôm vừa đi học về, tôi thấy bố tôi và mấy ông ở trong làng đang chụm đầu vào nhau trao đổi chuyện gì đấy có vẻ quan trọng lắm. Bố tôi là đội trưởng sản xuất của thôn, có báo Nhân dân cấp hàng ngày nên thường là buổi tối các ông trong chi bộ lại kéo sang nhà tôi nghe đọc báo và bàn chuyện, từ chuyện sản xuất, đời sống đến chuyện trong nước, thế giới, cũng chẳng đi đến đâu nhưng các ông được biết tin tức, được bình luận, trao đổi nên ai cũng thấy mãn nguyện.
Nhưng hôm ấy tôi thấy khác với bình thường, mới cuối buổi chiều mà các ông đã tụ tập, nét mặt ai cũng tỏ ra nghiêm trọng nhưng lại ánh lên vẻ rạng rỡ. Tôi mon men đến gần, nhìn kỹ thấy trước mặt mọi người là tờ báo mới với tin quân giải phóng miền Nam tấn công giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột. Tôi nhớ, lúc tôi còn nhỏ cũng đã có lần bố tôi và mấy người họp bàn sôi nổi về tin quân ta thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Nhưng lần này các ông dè dặt hơn, đưa ra nhiều giả thiết, nhận định hơn, nhất là việc quân ta sử dụng các binh chủng xe tăng, pháo binh quy mô lớn hơn, nghi binh tốt hơn làm cho quân địch hoàn toàn bất ngờ.
Thế rồi các ngày sau, hôm nào các ông cũng có ý chờ người đưa thư mang báo đến để được xem tin thời sự. Tôi cũng bị các ông cuốn vào việc theo dõi tin hàng ngày (thời đó làng tôi nghèo lắm, cả làng chỉ có một vài chiếc đài bán dẫn, mà cũng chẳng đủ pin để nghe thường xuyên), qua báo, chúng tôi được biết sau khi tiến công giải phóng Buôn Mê Thuột, quân ta đã tổ chức đánh địch phản kích hòng chiếm lại thị xã. Rồi quân địch được lệnh rút khỏi Tây Nguyên, tạo ra một cuộc tháo chạy hoảng loạn, tạo điều kiện để quân ta truy kích giành thắng lợi.
Khi quân ta mở mặt trận Huế-Đà Nẵng thì bố tôi và mấy ông trong làng không còn dè dặt nữa, các ông họp sớm hơn, lại có thêm nhiều người nữa đến nghe, có cả các bà cũng ngồi xa xa hóng vào. Các ông bắt đầu nhận định quân ta đánh lớn và sắp sửa thắng lớn. Trên tường nhà tôi được treo các tờ báo có tin và bản đồ chiến sự theo thứ tự nên chỉ cần nhìn vào là thấy ngay quân ta đã tiến đến đâu, giải phóng chỗ nào, tiêu diệt đơn vị nào của địch.
Những ngày này người dân làng tôi không ai bảo ai nhưng khi ra đồng đều có ý làm nhanh, làm tốt công việc hơn như muốn ngầm góp công với con em ngoài chiến trường. Một số anh em bộ đội mới nhập ngũ đang trong giai đoạn huấn luyện hoặc giúp dân đắp đê được lệnh lên đường vào chiến trường liền viết thư về chào gia đình. Có người đóng quân cách nhà hơn 40 km, xin chỉ huy đơn vị cho về nhà một đêm, thế là vội vàng ra đường bắt xe từng đoạn rồi cả chạy bộ về thăm bố mẹ, sáng sớm hôm sau đã có mặt ở đơn vị. Có trường hợp vội quá không có thời gian ra bưu điện gửi thư đành ngồi trên xe chờ khi qua ga Ghềnh ném thư xuống nhờ người đi đường chuyển giúp.
Cả làng tôi náo lên tin tức các gia đình có con đang ở bộ đội, gia đình nào có người đi B rồi thì nghe ngóng, dò hỏi xem con mình đang ở nơi nào, gia đình nào có con mới đi thì hỏi xem con có được về qua nhà không, bao giờ thì vào chiến trường. Tôi có 2 người chị gái là bộ đội, một người đóng quân ở Hòa Bình, một người công tác ở đoàn 559 bộ đội Trường Sơn, bố tôi cũng bảo tôi viết thư hỏi các chị xem có được đi vào chiến trường miền Nam không, mặc dù bức thư từ ngày ấy phải mất cả tháng mới nhận được.
Học sinh chúng tôi những ngày ấy cũng luôn ở trong tâm trạng bồn chồn khó tả, tin chiến sự cứ tác động từng ngày, hầu như ngày nào các thầy giáo cũng dành ít phút nói về chiến thắng ở miền Nam và chúng tôi cũng ngầm hiểu nếu cần tất cả chúng tôi cũng sẵn lòng lên đường ra tiền tuyến. Để thấy tận mắt khí thế của cả nước ra trận, chúng tôi rủ nhau đạp xe lên ga Ghềnh chờ xem các đoàn tàu chở xe tăng, súng pháo vào Nam; các đoàn xe chở đầy bộ đội với quân phục mới toanh và cả những đoàn chiến sỹ hành quân bộ nữa, tất cả đều nô nức hướng tới mặt trận. Tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh mấy anh bộ đội trẻ măng, trông đẹp trai thư sinh, giơ tay vẫy chào chúng tôi và cười rất tươi, hình như họ không hề bị vướng bận bởi những ác liệt hiểm nguy đang chờ họ ở phía trước.
Khi quân ta tấn công địch tại tuyến phòng thủ Xuân Lộc, những thông tin về tình hình chiến sự ác liệt, quân địch chống trả điên cuồng, chúng dùng cả máy bay ném bom ép không khí lên cao... gây rất nhiều khó khăn cho ta. Những ngày này thấy bố tôi thoáng những lúc ưu tư, trầm lắng, vẫn biết cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát, nhưng thương vong khi đã gần ngày chiến thắng thì vẫn thật đáng tiếc. Khi nghe tin ta đã kịp thời điều chỉnh cách đánh, vòng qua Xuân Lộc đánh vào phía sau tuyến phòng thủ làm chúng bị cô lập và tháo chạy, mọi người mới thở phào, nhẹ bớt đi nỗi lo.
Vào những ngày cuối tháng 4, khi quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào đô thành Sài Gòn, tôi thấy bố tôi mang chiếc đài bán dẫn bị hỏng đi nhờ người sửa giùm rồi mua pin mới về chỉ để nghe bản tin thời sự, nhưng tôi nhớ những ngày ấy bản tin thời sự trên đài phát thanh được phát liên tục nên ngoài những lúc đi họp, đi làm ngoài đồng, còn thì bố tôi và mọi người lại chụm đầu nghe đài và đọc báo, nhiều hôm tới tận khuya mới giải tán.
Hôm Sài Gòn được giải phóng, sau khi bản tin đặc biệt được phát trên đài tiếng nói Việt Nam, ở quê tôi không thấy mọi người hò reo nhảy múa, rất đông người tụ họp ở sân kho HTX nghe thông báo tin chiến thắng, gương mặt ai cũng rạng ngời, phấn khởi, có người cười nhưng nước mắt vòng quanh mi, tôi thấy mấy người là đảng viên đến nắm tay an ủi những ông bố có con là liệt sỹ. Về nhà bố bảo tôi chọn cây luồng thật cao để treo cờ Tổ quốc, còn ông lặng lẽ vào thắp hương lên bàn thờ có ảnh Bác Hồ và bát hương thờ tiên tổ.
Ngọc Phan