Với tôi, mọi kết quả công việc vẫn đang ở phía trước do bản thân còn bỡ ngỡ. Tôi hiểu rằng, muốn sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian có kết quả như mong đợi thì phải ra công điền dã, tiếp xúc gần gũi được các nghệ nhân vốn là những người cất giữ kho báu đang ẩn tàng...
Một hôm, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (hồi ấy ông đang công tác cùng với chúng tôi ở Phòng văn nghệ) thân thiện gặp, nhờ tôi đi đón "Bà Cầu hát xẩm". Được biết: bà Cầu là nghệ nhân hát xẩm duy nhất trong cả nước được mời ra Hà Nội tham dự liên hoan dân ca - nhạc cổ truyền. Khi ấy bà ở xã Yên Phong, huyện Tam Điệp (nay là huyện Yên Mô). Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo khuyên tôi nên cố gắng tranh thủ "khai thác" vốn văn nghệ dân gian hát xẩm ở bà Cầu, được gì quý nấy.
Chiều hôm sau, theo như chỉ dẫn, tôi đạp xe từ Nam Định qua thị xã Ninh Bình, xuôi Quốc lộ I, rẽ qua thị trấn Ngò, huyện Yên Mô, tiếp vài ba cây số nữa thì tới ngã ba chợ Lồng. Đến đây, hỏi người dân thì ai cũng biết bà Cầu hát xẩm! Kia rồi, ngôi nhà! Ôi, chỉ là một túp lều tranh tre, vách đất sơ sài, quá ư là khiêm tốn, hắt hiu, ở ngay trên một khoảng ruộng đất hoa màu, phơ phất ngô, khoai... Bà ở đây cùng với cô con gái út là cô Mận, khi ấy chừng tuổi đôi mươi, cũng hay tham gia văn nghệ ở địa phương. Mấy lời mộc mạc đơn sơ mà bà Cầu tâm sự cho tôi biết, bà sinh năm 1921, ngày mồng năm tháng năm, tên cha mẹ đặt là Năm. Từ hồi còn thơ bé, bà đã từng theo cha mẹ đi hát xẩm ở nhiều nơi. Về sau này, cả hai vợ chồng bà đã nhiều năm tháng theo cái nghề này để kiếm sống. Hai ông bà đi hát xẩm ở nhiều vùng: vào Thanh Hóa, xứ Nghệ, ra Nam Định lên Hòa Bình, sang tận xứ Bắc, xứ Đông. Sau khi người bạn đời, bạn hát của bà qua đời, bà trở về sống ở nơi đây, nuôi dạy con cái cũng chính bằng cây hồ nhị, với các bài xẩm: Thập ân, Sa mạc cổ truyền.
Bữa cơm tối hôm ấy trong căn nhà tranh nhỏ hẹp, bên ngọn đèn dầu tuy đạm bạc nhưng cũng ấm cúng.
Đi nghỉ, tôi được ưu tiên hẳn chiếc giường cá nhân, với chiếc chăn đơn. Ngoài trời là gió bấc đêm đông. Bà Cầu ngồi ở giường bên, nói chuyện và ăn trầu thuốc. Vừa mới tạm ấm chỗ thì phía bên ngoài cửa liếp bỗng có tiếng xì xào, rồi có những tiếng gõ đập vào phên cửa. Cửa mở, có hai người bước vào, yêu cầu được xem xét giấy tờ của "người lạ mặt trong nhà". Sự có mặt của tôi trong căn lều này giữa ban đêm chắc hẳn phải là một hiện tượng lạ, đột xuất lắm trước cái nhìn của mấy người địa phương. Bà Cầu phân bua với hai vị an ninh xóm. Tôi thì xuất trình giấy giới thiệu đi công tác và khẳng định rằng việc tôi về đây đón bà Cầu ra tỉnh và lên thủ đô để trình diễn là rất quan trọng và cấp bách. Lời qua tiếng lại đôi điều, rồi hai người kia cũng thẳng thắn cáo lui. Bà Cầu sau một thoáng nghĩ ngợi rồi quả quyết: "Thảo nào, ban nãy bổ quả cau thì hạt cau trẩm (lép) cứ y như là sắp có chuyện gì". Về sau tôi biết, bà Cầu thường hay chiêm nghiệm sự việc từ chính những quả cau mỗi khi bà bổ cau để ăn trầu, như thể là ở trong mỗi quả cau nho nhỏ đều chứa đựng các bí quyết về cuộc đời này.
Sớm hôm sau, khi trời còn nhập nhoạng, trong màn sương giá, bà Cầu với cây nhị "nổi tiếng" trong tay, khăn gói quả mướp cùng tôi tất tưởi ra chợ Lồng cho kịp chuyến xe khách sớm, đi Nam Định.
Về sau tôi được biết: Cả vùng Hà - Nam - Ninh - Thái và rộng hơn thế nữa, bấy giờ chỉ còn lại bà Cầu là người nổi tiếng cả nước thông thạo các bài hát xẩm cổ truyền. Bà còn hát nhiều bài xẩm theo "lời mới" thật hay mỗi khi bà tham gia phong trào văn nghệ địa phương. Bà Cầu vừa hát xẩm, kéo nhị, vừa ăn trầu mà tiếng nhị, tiếng hát vẫn chẳng hề chênh lơi. Cái chất giọng ăn trầu ở bà thật là đặc sắc, không thể lẫn với ai... mà ai nghe cũng phải thán phục là rất... xẩm. Đặc biệt, với bài hát "Theo Đảng trọn đời", theo lời mới, gồm các điệu thập ân, sa mạc, ba bậc, huê tình, bà đã được tặng thưởng Huy chương vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1979. Tiết mục này đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu và phát sóng, được đông đảo thính giả ưa thích. Năm 1993, bà Cầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đó là nguồn động viên tinh thần, sự trân trọng đối với một bà lão thôn quê đã có công lao gìn giữ một phần di sản nghệ thuật bình dân cổ truyền quý giá.
Nguyễn Quang Hải
(Sở Thông tin & Truyền thông)