Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, tháng 9/1927, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên được thành lập tại làng Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu (Nho Quan) do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư. Sau khi được thành lập, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Lũ Phong đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, gây cơ sở phát triển nhiều hội viên, thành lập một số chi bộ khác trong tỉnh.
Ngày 24/6/1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, tổ chức tiền thân của Đảng ở tỉnh ta được thành lập gồm 8 đảng viên do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Ninh Bình đã bước sang thời kỳ mới, phát triển ngày càng rộng khắp trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ được thành lập, làm chỗ dựa tin cậy vững chắc cho quần chúng đấu tranh với kẻ thù xâm lược và bọn tay sai phản động. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước trong các cao trào cách mạng 1930 - 1931; 1936 - 1939; 1939 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ Ninh Bình đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Ngày 25/8/1945, ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Ninh Bình ra mắt nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ Ninh Bình đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương lập nên những thành tích và chiến công xuất sắc.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, chiến đấu và công tác, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững vai trò hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng chục vạn tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, trong đó có 141.423 Huân, Huy chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công,.. Toàn tỉnh có trên 34 nghìn gia đình chính sách, hơn 16 nghìn con, em của quê hương đã anh dũng hy sinh, gần 14 nghìn đồng chí thương binh trong 2 cuộc kháng chiến. Những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc ấy đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của Đảng và của dân tộc. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn tỉnh có 7/8 huyện, thành phố, 48/145 xã, phường, thị trấn được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo; phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:
- Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng: Chỉ đạo đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Tăng cường định hướng, quản lý báo chí, hoạt động văn học nghệ thuật; đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội... Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần, kịp thời tuyên dương, động viên các tập thể và cá nhân tiêu biểu tạo hiệu ứng tích cực trong việc thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Chỉ đạo thực hiện công tác kiện toàn, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo phân cấp quản lý đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình, quy định. Đồng thời triển khai thực hiện sắp xếp bộ máy chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách cán bộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, kết luận rõ ưu điểm, khuyết điểm, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm; giúp các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước. Công tác dân vận: Chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Công tác tôn giáo, dân tộc được quan tâm, tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, trọng tâm là nắm tình hình hoạt động của các tôn giáo trong dịp lễ, tết; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia "Hội Thánh Đức Chúa trời" và "đạo lạ". Công tác nội chính và phòng chống tham nhũng: Ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, biên phòng, đảm bảo an ninh trật tự, tư pháp, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
- Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt 9,27%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao ước đạt trên 12.000 tỷ đồng, bằng 158% dự toán HĐND tỉnh và tăng 44% so với năm 2017.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất đạt trên 49.000 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2017 và vượt 3% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện đạt trên 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 2,2% kế hoạch. Các công trình, dự án về giao thông, thủy lợi, xây dựng hạ tầng đô thị, các nhà máy sản xuất công nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Công tác quy hoạch được tập trung chỉ đạo. Công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp được quan tâm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển: Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 8.503 tỷ đồng, tăng 2,73% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Chăn nuôi phát triển, tăng tổng đàn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 60,1 nghìn tấn, tăng 1,9% so với năm 2017, vượt kế hoạch 2,7 nghìn tấn. Sản xuất thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng, sản lượng đạt 51,3 nghìn tấn, tăng 7,8% so với năm 2017.
Các ngành dịch vụ phát triển khá, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Giá trị sản xuất toàn ngành dịch vụ năm 2018 đạt 23.570 tỷ đồng, tăng 8,05% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động xuất khẩu tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Du lịch đạt kết quả tích cực, số lượt khách đến thăm quan đạt trên 7,3 triệu lượt, tăng 4,3% so với năm 2017; doanh thu đạt trên 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2017 và vượt 15% kế hoạch.
Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Đến cuối năm 2018 có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 90 xã (đạt 75,6% tổng số xã) và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
- Văn hóa - xã hội được quan tâm: Công tác thông tin, truyền thông được tập trung chỉ đạo với nhiều nội dung và hình thức phong phú; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh. Nổi bật là tổ chức thành công chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018 tạo sức lan tỏa và ý nghĩa sâu sắc cả trong nước và trên phạm vi quốc tế. Công tác giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phù hợp với từng cấp học; cơ sở vật chất được tăng cường. Ninh Bình duy trì vị trí tốp đầu cả nước về điểm bình quân thi THPT Quốc gia.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên; thể dục thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư. Công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, không để dịch bệnh lớn xảy ra.
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội đạt nhiều tiến bộ. Năm 2018, toàn tỉnh còn 12.527 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 4,52% (năm 2017) xuống còn 4,17%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước được quan tâm.
Hoạt động khoa học công nghệ có chuyển biến. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, góp phần động viên các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất.
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường. Đã chủ động nắm và kiểm soát được tình hình, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự và các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện. Thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; vô hiệu hóa hoạt động móc nối, lôi kéo của các tổ chức phản động, triệt phá các ổ nhóm tội phạm.
Duy trì thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; làm tốt công tác tuyển quân, huấn luyện; tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực vùng biển. Tích cực tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Tổ chức thành công Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2018.
Như vậy, kể từ Đại hội lần thứ nhất (họp vào mùa thu năm 1938 tại thôn Đồi Dâu, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan) đến nay, Đảng bộ Ninh Bình đã trải qua 21 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một dấu mốc mới trong lịch sử phát triển của Đảng bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không ngừng được nâng lên, đảm bảo lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Từ lúc chỉ có 3 chi bộ với 20 đảng viên năm 1930, đến năm 2018, Đảng bộ tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc, 717 tổ chức cơ sở đảng, 70.666 đảng viên.
Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, Đảng bộ Ninh Bình luôn được nhân dân tin yêu và không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, kế thừa những kinh nghiệm và thành quả đã đạt được, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu giành được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Với những thành tích xuất sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hàng chục tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
(còn nữa)
I. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 mở ra bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam