Tới dự có các đồng chí: Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam; Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh qua các thời kỳ; Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam; Lãnh đạo một số xã và gia đình tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Ninh Bình là tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc bộ, có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 30.652,4 ha, chiếm gần 20% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó rừng đặc dụng chiếm 60%. Diện tích rừng của Ninh Bình tuy không nhiều, nhưng có vai trò và giá trị rất lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; ngoài các giá trị về phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học... rừng còn là nguồn tài nguyên quý để phát triển ngành kinh tế du lịch tỉnh nhà
Với phương châm lấy dân làm gốc, công tác tuyên truyền bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình hoạt động của lực lượng Kiểm lâm Ninh Bình. Chỉ tính từ năm 1992 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức thực hiện hàng ngàn buổi phát thanh, hàng trăm phóng sự truyền hình, xây dựng được 01 bộ phim, 15.000 pa nô áp phích tờ rơi, xuất bản hàng ngàn cuốn tài liệu và 260 biển báo bảo vệ rừng. Tổ chức gần 50 cuộc thi tìm hiểu pháp luật lâm nghiệp, 260 lớp tập huấn về các nội dung bảo vệ rừng, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, đi đôi với hoàn thiện bộ máy hoạt động của đơn vị, Chi cục Kiểm lâm đã chú trọng xây dựng lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng; từ năm 2000 đến nay đã thành lập được 20 Ban Lâm nghiệp xã, hợp đồng với 38 nhân viên bảo vệ rừng; trên 90% các thôn, bản có rừng đã xây dựng được Quy ước bảo vệ rừng, hàng trăm tổ đội quần chúng bảo vệ rừng được thành lập.
Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại gốc, Chi cục đã bố trí điều động 27 công chức, viên chức kiểm lâm phụ trách địa bàn xã và từ năm 2008 trở lại đây, Kiểm lâm địa bàn đã phát hiện và xử lý gần 400 vụ vi phạm, xóa bỏ nhiều tụ điểm phá rừng tại các xã có rừng. Đi đôi với công tác bảo vệ rừng tại gốc, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh trên 3.800 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý lâm sản, động vật hoang dã quý hiếm, chuyển cơ quan Điều tra xử lý hình sự trên 65 vụ, tịch thu trên 7.500 m3 gỗ các loại, trên 100 tấn động vật hoang dã và nhiều loại lâm đặc sản khác, nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng.
Chi cục Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác thỏa thuận hợp tác Quốc tế với một số tổ chức phi chính phủ về các lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Chi cục đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn công tác sản xuất lâm nghiệp và từ khi tái lập tỉnh đến nay đã có 15 mô hình bảo vệ rừng bền vững, 05 đề tài dự án khoa học được xây dựng và triển khai...Ngoài những kết quả trên, Kiểm lâm Ninh Bình còn luôn là đơn vị tiên phong trong công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng...
Ghi nhận kết quả đạt được; tại hội nghị này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân; Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân; Tổng cục Lâm nghiệp tặng giấy khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân; Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh tặng giấy khen cho 9 tập thể và 18 cá nhân...đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong các năm qua.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu bật vị trí vai trò của rừng đối với tỉnh; thành quả đạt được của lực lượng Kiểm lâm tỉnh; biểu dương và ghi nhận những thành quả đó và cho rằng Kiểm lâm Ninh Bình là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong địa bàn tỉnh. Tuy nhiên: độ che phủ rừng còn thấp, chất lượng rừng chưa đáp ứng yêu cầu, công tác giao rừng cho thuê rừng còn chưa đồng bộ, tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn...
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành Kiểm lâm tỉnh nhà trong thời gian tới làm tốt những nhiệm vụ: Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tới mọi người, mọi ngành, mọi cấp; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, tư tưởng cho lực lượng Kiểm lâm. Tăng cường công tác tham mưu cho chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu đạt mục tiêu về độ che phủ rừng trên địa bàn mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.
Tiếp tục cập nhật các biến động và hiện trạng của rừng, đất rừng làm cơ sở cho các cấp, các ngành, địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Phối hợp với các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng. Làm tốt công tác quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020; chăm lo công tác ứng dụng KHKT vào quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ động vật hoang dã.
Đinh Chúc- Đức Lam