Trước khi trao đổi và đi đến ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa đặc sản tại hội trường, các đại biểu dự Hội nghị đã đi thăm quan khu đồng gieo cấy lúa đặc sản của xã Như Hòa (Kim Sơn) với các giống: Nếp cau, nếp cái hoa vàng... sắp vào thời kỳ thu hoạch.
Lúa đặc sản gồm các giống: Nếp cau, nếp cái hoa vàng, tám xoan, dự... được gieo cấy chủ yếu trong vụ mùa ở trà mùa muộn. Nhìn chung các loại giống lúa đặc sản thường có thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp hơn các giống lúa khác; nhưng bù lại giá trị lại cao, gấp 2-3 lần so với các giống lúa thường.
Những năm trước đây và cho tới hiện nay, lúa đặc sản chủ yếu được gieo cấy huyện Kim Sơn với địa hình chất đất phù hợp cho loại giống lúa này sinh trưởng và phát triển.
Trong vụ mùa (có thời kỳ chiếm tới 90% diện tích vụ mùa); vụ mùa 2017 toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha lúa đăc sản, thì huyện Kim sơn có trên 1.000 ha lúa, tập trung ở các xã phía Bắc huyện, trong đó xã Như Hòa có khoảng trên 166 ha, gồm các giống: Nếp cau, nếp cái hoa vàng, tám xoan... với năng suất dự kiến khoảng 34-36 tạ/ha.
Các ý kiến trao đổi tại hội nghị đều cho rằng: Kim Sơn là địa phương có điều kiện và kinh nghiệm để phát triển lúa đặc sản mà bằng chứng là khu đồng lúa đặc sản của xã Như Hòa được bố trí đồng vùng, đồng trà, rất ít bị bạc nhạc, điều này cho thấy nhân dân đã làm khá tốt khâu phòng trị bệnh, nhất là sâu đục thân lúa cuối vụ và nhiều doanh nghiệp đã cam kết sẽ hợp tác với Kim Sơn trong việc sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa đặc sản.
Ngay sau đó, Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình ký hợp đồng với HTX Như Hòa (Như Hòa-Kim Sơn); Công ty chế biến nông sản Bảo Minh -Hà Nội ký hợp đồng với HTX Ân Hòa (Ân Hòa-Kim Sơn); Công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình ký hợp đồng với HTX Đồng Xuân Tiến (Khánh Thành -Yên Khánh); Công ty TNHH Quang Minh ký hợp đồng với HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc-Yên Khánh).
Đinh Chúc-Đức Lam