Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng: năm 2022 đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh tình thế giới nhiều biến động khó lường. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân và sự nổi nỗ lực hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. GDP dự kiến cả năm đạt 8%, kinh tế vĩ mô ổn định, cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao…
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nền kinh tế đất nước vẫn còn những hạn chế, bất cập về gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Sự thiếu hụt lao động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là lao động chất lượng cao. Thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác quy hoạch còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, việc triển khai một số chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội như 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt tiến độ. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa được xử lý hiệu quả...
Từ tình hình thực tế, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, như: Cần cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn kèm theo các chế tài ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, cảnh báo thiên tai. Cần đầu tư có trọng tâm cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương phát triển rừng và năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Một số đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương, thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 01/01/2023. Đồng thời đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Trong chương trình, các thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu giải trình về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm qua thảo luận.
Mai Lan