Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và cho rằng những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật về cơ bản đang hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số nhằm chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, dự thảo Luật cũng đã thể hiện đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 và cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật để đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến các hoạt động của đời sống xã hội (bao gồm: giao dịch điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định).
Theo đại biểu, việc mở rộng như vậy là phù hợp trong điều kiện hiện nay; tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất về giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời việc tăng cường thực hiện các giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống sẽ tiết giảm, tiết kiệm được chi phí.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch; cân nhắc hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như: cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh… hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật; trong một số trường hợp sự có mặt là cần thiết để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị làm rõ phạm vi, mức độ chi tiết của thông tin được báo cáo, nhất là việc xác định thế nào là dấu hiệu, nguy cơ lợi dụng hệ thống thông tin do doanh nghiệp mình cung cấp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam; tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn một số nội dung mà dự thảo Luật chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ như quy định về các quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử; về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử; về tranh chấp và xử lý vi phạm và quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.
Cùng tham gia thảo luận với đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến vào các điều khoản của Dự thảo luật Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc; tính thống nhất của dự thảo Luật với các luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước; trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, các địa phương, trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước, biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu…
Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; đồng thời thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Mai Lan