Trong quá trình thảo luận, có 17 lượt đại biểu thảo luận, 1 lượt đại biểu tranh luận. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự thảo luật này. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan đại diện, nguyên tắc quản lý cơ quan đại diện về hành chính và chuyên môn; bổ sung quy định về một số nhiệm vụ của cơ quan đại diện; mở rộng nguồn đối tượng được xem xét, bổ nhiệm Đại sứ.
Về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện và tiêu chuẩn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền: một số đại biểu đề nghị cần cụ thể hơn một số tiêu chuẩn, đồng thời, cần linh hoạt để huy động được cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, hiểu biết sâu địa bàn; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong bổ nhiệm Đại sứ, thành viên cơ quan đại diện; xác định cụ thể các trường hợp, thời gian kéo dài nhiệm kỳ của Đại sứ.
Khẳng định sự cần thiết về quy định phối hợp công tác giữa cơ quan đại diện và đoàn công tác đi nước ngoài, một số đại biểu đề nghị cần có phương án bảo đảm tính khả thi của quy định. Đồng thời đề nghị cần có quy định riêng về quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ quan đại diện ở nước ngoài cho phù hợp với đặc thù, đồng thời, cần sửa Luật Đầu tư công nhằm bảo đảm sự thống nhất.
Trong phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; xem phim tài liệu thuyết minh Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Trong quá trình thảo luận, có 17 lượt đại biểu phát biểu và 1 lượt đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung như: Về phạm vi, giải thích từ ngữ. Về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Quỹ tích lũy trả nợ; hành vi bị cấm trong quản lý nợ công; kỹ thuật lập pháp.
Riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công, bên cạnh việc cơ bản tán thành quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; cân nhắc việc không quy định cụ thể trong Luật, giao Chính phủ phân công các Bộ, cơ quan ngang Bộ, một số đại biểu đề nghị cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần bổ sung chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với dự trữ ngoại hối; cần quy định trách nhiệm của cơ quan cho vay lại, bên vay lại, điều kiện được vay lại theo hướng đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan