Trong phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu và 7 ý kiến tranh luận. Qua thảo luận đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, đầy đủ cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất trong dự án này là phải phân định cho được sự khác nhau trong nội hàm giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng. Phân định được các nội dung của dự án luật này với Luật An toàn thông tin mạng. Có ý kiến đề nghị không nên đưa nội dung tác chiến mạng vào luật này vì vấn đề tác chiến mạng thuộc phạm vi của Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nhiều nội dung của dự thảo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các điều ước quốc tế. Do đó, cần phải rà soát chỉnh lý bảo đảm nguyên tắc của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống.
Các ý kiến cũng đã tập trung góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo, trong đó nổi lên các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, các biện pháp bảo vệ an ninh mạng về hoạt động bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó nổi lên vấn đề tiền kiểm hay hậu kiểm. Việc đặt máy chủ văn phòng đại diện của các nhà mạng nước ngoài ở Việt Nam như thế nào cần phải làm rõ tác động của các quy định này.
Về xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Về thẩm quyền của các cơ quan trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng. Nhiều ý kiến cũng đã góp ý cụ thể vào bố cục các chương, điều của dự thảo luật.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo luật cần phải tiếp tục được rà soát hoàn thiện, đồng thời đề nghị các biện pháp bảo vệ an ninh mạng cần quy định chặt chẽ nhưng phải thống nhất với các luật khác, tránh ảnh hưởng đến quyền công dân, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường đầu tư và quan hệ quốc tế, đặc biệt hạn chế tối đa việc đặt ra các thủ tục hành chính không cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, với 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Nợ công quy định tại Luật này bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan