Trong phiên họp thảo luận đã có 25 đại biểu phát biểu ý kiến và 4 đại biểu tham gia tranh luận. Qua phát biểu thảo luận, tranh luận cho thấy đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Hồ Chí Minh để tạo cơ chế tăng phân cấp, phân quyền, tạo động lực cho thành phố phát triển với vai trò là trung tâm, là đầu tàu động lực kinh tế phát triển của cả nước. Đây là một nghị quyết lần đầu tiên Quốc hội ban hành để tạo cơ chế cho một trung tâm động lực kinh tế rất quan trọng của cả nước. Việc này cũng là cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng các cơ chế đặc thù đối với một số trung tâm động lực kinh tế.Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc áp thuế tài sản với nhà đất. Việc tăng một số loại thuế có thể tạo ra sự không công bằng và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị chính sách về lương cũng phải gắn với năng suất, hiệu quả và tinh giản biên chế, không chỉ là lương của cán bộ công nhân viên chức. Một số ý kiến đề nghị nên triển khai thêm ở một số trung tâm động lực khác như Hà Nội và một số địa phương....
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã phát biểu làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng đã làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh dưới góc độ yêu cầu thực tiễn phát triển của cả nước. Bộ trưởng cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất và mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước.
Về GDP của thành phố chiếm 1/5 GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cao gấp 1,6 lần so với tốc độ của cả nước. Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của thành phố chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ, như vậy thành phố phát triển nhanh hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước.
Về ngân sách nhà nước, thành phố hiện đang đóng góp gần 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm và quan trọng hơn thành phố là địa bàn đóng góp lớn nhất vào thu của ngân sách Trung ương và mức đóng góp ngày càng tăng đã thể hiện rõ tinh thần thành phố vì cả nước. Tuy vậy, động lực phát triển của thành phố đang chậm lại. Khó khăn về thu ngân sách của thành phố sẽ làm cho thu ngân sách trung ương khó khăn thêm rất nhiều.
Đồng tình với quan điểm của có một số đại biểu còn băn khoăn liên quan đến phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt đề xuất cho thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản..., bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng các băn khoăn này là xác đáng. Tuy vậy, Chính phủ và thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh do vậy trong dự thảo nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế tối đa đến sản xuất lưu thông hàng hóa trên thị trường cả nước. Tập trung thu đối với hàng hóa thu nhập phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc khác việc Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà thành phố phải xây dựng đề án cụ thể như là tăng ở thuế suất nào, tăng mức đối tượng chịu thuế, đánh giá đầy đủ các chính sách, tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và tác động xã hội khác. Báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu cần thiết để xem xét quyết định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng làm rõ một số vấn đề khác như: Về việc nâng mức dư nợ vay của thành phố; về quy định nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất; thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; Về thuế tài sản; về tác động của nghị quyết; về mở rộng thí điểm cho Hà Nội và một số địa phương khác...
Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo luật này. Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan (Tổng hợp)