Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng phải quan tâm đến tính khả thi của luật, vì luật trong thời gian qua chúng ta ban hành ra nhưng qua quá trình thực tế thực hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đại biểu đề nghị toàn bộ những nội dung quy định thuộc phạm vi quy định của Đảng về chi bộ đảng, tổ chức đảng, về đảng viên thì không đặt trong luật. Vì mọi tổ chức đảng và đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, cho nên không nên đưa quy định thuộc phạm vi nội bộ Đảng vào trong dự thảo luật.Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng trong phạm vi chi tiêu hành chính của một cơ quan ngoài chi lương và các chế độ theo lương còn một số khoản chi về chế độ hội nghị, điện thoại, xăng xe thì khó có tham nhũng... Còn tiền nhà nước đang lọt ra chủ yếu thông qua các dự án đầu tư, vấn đề tính thuế, vấn đề giao rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản... Đó là các doanh nghiệp khi chạy dự án thì thường phải chi đủ loại chi phí "ngầm". Trong khi đó, toàn bộ dự án đầu tư công của đều do các doanh nghiệp tham gia và số tiền được phân chia lại cho những người có chức vụ quyền hạn ở các doanh nghiệp này. Vì vậy, dự thảo luật cần mở rộng áp dụng trong tất cả các doanh nghiệp có tham gia vào các dự án đầu tư công.
Cũng theo đại biểu Bùi Văn Phương, đây là dự thảo luật lớn, nhân dân hết sức quan tâm, cán bộ đảng viên rất quan tâm, nên rất cần ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân, sau đó Quốc hội tiếp tục thảo luận có thể 2 kỳ hoặc có thể đến 3 kỳ mới thông qua, nhằm bảo đảm tính khả thi của dự thảo luật.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Phương, nhiều đại biểu nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước. Bởi trên thực tế tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước đã xuất hiện và đang phát triển phức tạp, khó kiểm soát, nhất là trong các lĩnh vực như vay vốn đầu tư, đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp, các khoản chi không chính thức để lại quả bằng các hình thức biếu quà, mời đi du lịch hoặc tạo việc làm cho người thân của các doanh nghiệp, cuối cùng đều tính vào giá thành sản phẩm và người tiêu dùng là người phải gánh chịu.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước là phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Trong công ước này đã quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư...
Buổi chiều, đại biểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đinh Ngọc