Thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu ý kiến: việc trình Dự án Luật để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp thì không đủ thời gian để Chính phủ đánh giá tác động đối với một số nội dung mới cũng như không đủ thời gian để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp và cần thiết phải lấy ý kiến của nhân dân. Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Văn Phương cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc Dự thảo luật mới bỏ toàn bộ nội dung quy định công khai quy hoạch, dự toán một số dự án theo quy định của luật cũ.
Theo đại biểu, trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều dự án, các công trình cần phải được công khai để người dân theo dõi, giám sát, có như thế mới hạn chế được tình trạng tham nhũng...
Trước đó, sáng 9/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi.
Trong phiên họp buổi sáng, đã có 17 đại biểu phát biểu tại hội trường và có 2 đại biểu tranh luận.
Qua thảo luận, các vị đại biểu đều ghi nhận chính sách về bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và các bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, góp phần đưa các quy định của luật vào cuộc sống.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới còn có những mặt hạn chế, chưa đạt như mong muốn, đó là: người lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, về lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm so với nam giới, kể cả đối xử đối với phụ nữ.
Còn khoảng cách về giới, về giáo dục, về y tế giữa các khu vực vùng, miền và các nhóm dân tộc, hôm nay các đại biểu đã góp ý. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động chính trị đã có xu hướng tăng nhưng chưa đạt chỉ tiêu. Thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và tình trạng xâm hại tình dục trẻ em còn có những diễn biến rất phức tạp...
Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác bình đẳng giới như: Tiếp tục quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực nữ; chăm lo hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; bố trí hợp lý hơn về ngân sách và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; chú ý tốt hơn và hiệu quả hơn công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bình đẳng giới.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đinh Ngọc