Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình), đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành dự luât. Góp ý cụ thể vào điều 2, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung vào khái niệm bí mật Nhà nước bao gồm các thông tin không do các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo ra.
Về phân loại bí mật Nhà nước, đại biểu tán thành việc phân loại bí mật Nhà nước theo 3 cấp độ đó là tuyệt mật, tối mật và mật. Tuy nhiên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước. Vì quy định mức độ nguy hại là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo dự thảo là rất khó xác định nội dung này.
Về phạm vi bí mật Nhà nước, theo đại biểu, Ban soạn thảo đã cô đọng phạm vi bí mật nhà nước vào 4 khoản. Tuy nhiên, nội dung trong 4 khoản cần giữ bí mật là rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Theo đại biểu, ngoại trừ những thông tin tình báo nhạy cảm liên quan đến quan hệ ngoại giao thì về cơ bản nên công khai rõ ràng cho người dân cả nước được biết để tạo thành một khối đoàn kết sức mạnh dân tộc trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, việc quy định bằng cụm từ "cần giữ bí mật" ở tại cuối của mỗi khoản tại Điều 9 thể hiện nội dung phạm vi bí mật nhà nước là còn quy định chung chung, dễ dẫn tới việc lạm dụng để ban hành danh mục bí mật nhà nước, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân. Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước.
Về danh mục bí mật Nhà nước, đại biểu cơ bản tán thành quy định về thẩm quyền quyết định danh mục bí mật Nhà nước như dự thảo luật. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 3 Điều 10 là giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành bí mật Nhà nước của địa phương mình. Như vậy sẽ có 63 danh mục bí mật Nhà nước ở địa phương khác nhau. Vì vậy, đại biểu cho rằng không nên quy định nội dung này trong dự thảo luật mà Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định việc phân loại danh mục bí mật nhà nước theo ngành dọc từ bộ, ngành, Trung ương đến địa phương để đảm bảo tính thống nhất. Nếu chúng ta để 63 địa phương này thì sẽ gây nên một sự không thống nhất trong các địa phương với nhau. Bởi vì có một vấn đề ở địa phương này thì coi là tối mật, nhưng ở địa phương khác lại coi là mật.
Về thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước và gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, dự thảo luật quy định thời hạn 30 năm đối với bí mật độ tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật độ tối mật và 10 năm đối với độ mật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, với quy định này có thể hiểu là tối đa 30 năm thì những bí mật sẽ được giải mật, được công khai. Vậy, quy định về việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ làm cho quy định thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước trở lên vô hiệu. Nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc được quy định tại khoản 1 Điều 20 thì có thể gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước và mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ quy định ở khoản 2 Điều 19. Đại biểu đề nghị cần xem xét lại bởi nếu không chúng ta gia hạn rất nhiều lần, không có quy định cụ thể là gia hạn bao nhiêu lần và như vậy sẽ mâu thuẫn giữa Điều 19 và Điều 20.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cũng góp ý về kỹ thuật văn bản và một số vấn đề khác của dự thảo luật.
Cùng với ý kiến của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, trong phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu. Các ý kiến tập trung góp ý vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo luật, trong đó nổi lên các vấn đề liên quan đến khái niệm bí mật Nhà nước. Việc phân loại bí mật Nhà nước, phạm vi bí mật, việc lập danh mục bí mật về biện pháp bảo vệ bí mật Nhà nước, thời hạn bảo mật, tăng, giảm độ mật...
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với tỷ lệ đồng thuận rất cao (83,1%). Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020. Địa điểm từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với chiều dài 654km.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đinh Ngọc