Phát biểu thảo luận ở tổ về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nhất trí với việc xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cho đây là yêu cầu khách quan và cần thiết. Việc ban hành Luật sẽ góp phần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Góp ý về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã đi sâu phân tích những quan điểm về những quy định trong điều 2, đều 3, điều 8, 9, 10, 10 và điều 23 của dự án luật. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ quy định thế nào là thông tin đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng; đề nghị rà soát kỹ nội hàm của khái niệm bí mật nhà nước, nhất là cần làm rõ khái niệm về vật, khu vực cấm, địa điểm cấm.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương trong bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm giám sát của Quốc hội...
Thảo luận ở tổ về Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật quá rộng, song vẫn chưa đề cập hết những tình huống trong thực tế. Đại biểu đề nghị nên gộp Luật An ninh mạng và Luật Thông tin mạng làm một.
Theo đại biểu: Hiện một số quy định trong chương 1 của dự thảo luật vẫn còn một số nội dung chồng chéo; mục 1, chương 2 vẫn còn có một số quy định trùng lắp với Luật an toàn thông tin mạng; khoản 4, điều 22 nhiều nội dung trùng với khoản 2...
Cùng quan điểm cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong dự thảo Luật An ninh mạng cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị cần có những quy định cụ thể để xử lý tình trạng hiện nay mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin không được kiểm chứng, gây nhiễu thông tin.
Góp ý về quy định các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong điều 8, đại biểu để nghị Ban soạn thảo cần viết lại cho gọn, không nên liệt kê vì một số hành vi vi phạm có thể xảy ra trong thực tế, nhưng nếu không được liệt kê trong quy định thì vô hình chung lại không nằm trong khung cấm.
Trước đó, buổi sáng Quốc hội làm việc tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; đồng thời thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết phải sớm triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bảo đảm tiến độ dự án.
Các đại biểu cũng ghi nhận đánh giá sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như cố gắng của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Đinh Ngọc