Theo đó, Quốc hội đã chất vấn các nội dung liên quan đến các lĩnh vực: ngân hàng, thông tin và truyền thông, tòa án. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia giải trình và báo cáo làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp chiều ngày 18/11.
Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã chất Thủ tướng về vấn đề phát triển du lịch. Đại biểu đặt vấn đề: du lịch, dịch vụ là một trong những lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và kết quả cho thấy trong năm 2017 và những năm gần đây thì du lịch đang góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Về mặt chủ trương, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và đã được thể chế vào trong Luật Du lịch (sửa đổi), trong đó nội dung xuyên suốt là thực hiện cho được mục tiêu phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. "Tuy nhiên, gần đây những vấn đề về du lịch đang ít được nhắc đến và thực tế thì việc đầu tư cho du lịch còn rất hạn chế, có thể nói cũng chưa được quan tâm đúng mức. Biểu hiện là nhiều dự án đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch đã được phê duyệt, nhưng hiện đang bị dừng, giãn, hoãn tiến độ và có những dự án hàng chục năm nay không được cấp vốn đầu tư. Tôi cho rằng, nếu đã coi như một ngành kinh tế thì bên cạnh những lĩnh vực đầu tư khác, phải quan tâm đầu tư phát triển du lịch"- Đại biểu Mai Khanh nhấn mạnh. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết trong thời gian tới Chính phủ có những giải pháp gì để phát triển du lịch?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Mai Khanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đồng chí Mai Khanh, đại biểu Quốc hội Ninh Bình đã nêu". Thủ tướng cũng cho biết: Chính phủ coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nên chủ trương, biện pháp đầu tư, phát triển phải được rõ hơn. Thời gian tới, Chính phủ sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy ngành kinh tế này, trong đó ưu tiên đầu tư một số hạ tầng quan trọng phát triển du lịch Việt Nam.
Cũng trong chiều ngày 18/11, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội đã bế mạc phiên chất vấn.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp. Qua chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề chất vấn được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Nhìn chung, các phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng. Tại các phiên chất vấn đã có nhiều lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và tham gia tranh luận. Đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, đặc biệt là tích cực tham gia tranh luận, không chỉ tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà còn tranh luận với các thành viên trả lời chất vấn để làm rõ thêm mội dung của vấn đề nêu ra. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành Tòa án đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu đã nêu và thẳng thắn làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm, phạm vi của mình phụ trách. Cam kết tập trung chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn nhiều hạn chế, một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đáp ứng như mong đợi của cử tri và nhân dân. Do vậy, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn để khắc phục những hạn chế yếu kém, tạo chuyển biến thiết thực trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ tư để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, thực hiện các giải pháp có hiệu quả đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Đinh Ngọc