Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết quả phiếu xin ý kiến các đại biểu về các nhóm vấn đề chất vấn, tại Kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn: về công tác quản lý thuế, hải quan, tăng cường quản lý nợ công an toàn hiệu quả; về việc điều hành chính sách tiền tệ; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng; việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn trong quá trình diễn ra phiên họp khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Quốc hội sẽ dành toàn bộ buổi chiều ngày 18/11 để chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ.
Để hoạt động chất vấn đạt kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: các đại biểu Quốc hội nêu nội dung chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung thuộc nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, bảo đảm đúng thời gian quy định. Các bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, trả lời thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, hướng khắc phục trong thời gian tới.
Sau phần khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Trong phiên chất vấn, đã có 48 đại biểu đăng ký chất vấn tập trung vào các nội dung như: Giải pháp kéo giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; giải pháp quản lý nhằm bảo đảm an toàn, cơ cấu lại, giảm bớt áp lực nợ công, đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển; giải pháp quản lý hóa đơn thuế, chống thất thoát nguồn thu của nhà nước; giải pháp ngăn chặn tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp; triển khai công tác cải cách hành chính tại Bộ; giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; giải pháp đột phá ngăn chặn tình trạng thanh toán khống, rút ruột ngân sách; giải pháp ngăn chặn cán bộ thuế tiêu cực thông đồng với người nộp thuế, gây thất thu ngân sách...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời làm rõ nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nêu, nhất là các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; vấn đề quản lý nợ công; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; vấn đề quản lý hóa đơn thuế, chống thất thoát nguồn thu của nhà nước...
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đè quản lý nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính đã tổng kết, đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền nhằm bảo đảm nợ công bền vững, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này. Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý chặt nợ công như: Rà soát, hoàn thiện thể chế; quản lý chặt trần nợ công; quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ODA; xác định rõ mức bội chi ngân sách hằng năm; siết chặt bảo lãnh chính phủ; kiên quyết bám sát Nghị quyết 5 năm của Quốc hội trong chỉ đạo điều hành; bố trí cân đối nguồn bảo đảm trả nợ đúng hạn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát...
Trả lời câu hỏi về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng thừa nhận thói quen người mua hàng hiện nay là ít lấy hóa đơn, trả bằng tiền mặt... Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên tuyền để hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng trong xã hội. Nếu có thể làm mạnh hơn thì nên bắt buộc trong thời điểm thành lập doanh nghiệp sẽ phải đăng ký mã số thuế, mẫu hóa đơn. "Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong trao đổi hàng hóa, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra với những giao dịch đáng ngờ", Bộ trưởng khẳng định.
Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, quản lý bảo đảm an toàn nợ công, bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển...
Sau phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về các nhóm vấn đề: việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Mai Lan