Mở đầu phiên họp, các đại biểu đã nghe Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn liên quan đến các vấn đề: Kinh doanh xăng dầu; tạm nhập tái xuất; các giải pháp xử lý hàng tồn kho tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quản lý thị trường; tiêu thụ nông sản cho nông dân; quy hoạch xây dựng thủy điện…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải pháp xử lý hàng tồn kho, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, hàng tồn kho tập trung ở các mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng, sắt thép, một số chủng loại phân bón và than đá. Để giải quyết tình trạng trên, Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép ngành than điều chỉnh giảm giá cho một số hộ tiêu thụ, giảm thuế xuất khẩu xuống còn 10%, phấn đấu đến cuối năm sẽ đưa hàng tồn kho về mức 15%. Đối với ngành thép và một số vật liệu xây dựng, liên Bộ Công thương - Tài chính tiến hành cấp phép tự động để điều hành linh hoạt, khống chế lượng nhập khẩu; đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hàng hóa của nhau...
Về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang được lưu thông trên thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận dù có nhiều cố gắng nhưng việc quản lý thị trường còn nhiều bất cập, hầu hết hàng kém chất lượng đều có nguồn gốc từ nhập lậu, được đưa qua biên giới qua đường mòn, lối nhỏ, cơ quan chức năng chưa kiểm soát hết được. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, công bố các sản phẩm chất lượng tốt, trong nước đã sản xuất được để người tiêu dùng có thông tin lựa chọn.
Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, xăng dầu đã thực hiện giá thị trường có quản lý của Nhà nước từ năm 2009 đến nay và đạt một số kết quả. Tuy nhiên, công tác điều hành còn bất cập, cụ thể: thời gian điều chỉnh tăng, giảm giá còn chậm so với giá xăng dầu thế giới, chất lượng xăng dầu kém, bẩn, bị pha chế... đang gây nhiều bức xúc cho người sử dụng cũng như gây tác hại đến các phương tiện giao thông. Hiện nay, Bộ Công thương đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học - Công nghệ để xây dựng tiêu chuẩn, cũng như phối hợp quản lý và đề ra các chế tài xử phạt đủ mạnh nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu.
Về vấn đề hình thành thị trường xăng dầu cạnh tranh, Bộ trưởng Công thương cho biết, Nghị định 84/2009 của Chính phủ cho phép tất cả các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện kho bãi, tài chính... được phép trở thành đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong 3 năm qua, đã có thêm 4 doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu. Petrolimex đang chiếm tới 70% thị phần là do lịch sử để lại, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn mạnh và mở rộng thị phần thì thị trường xăng dầu sẽ cạnh tranh bình đẳng và ổn định.
Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã tham gia trả lời chất vấn, tập trung vào công tác quy hoạch đô thị; giải pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng; vấn đề quản lý chung cư; chất lượng các đập thủy điện; giải pháp phát triển thị trường bất động sản; cơ chế chính sách đối với xây dựng nhà ở xã hội…
Quốc Khang