Buổi chiều, phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, hiện nay việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp hành chính có những vấn đề chưa phù hợp, cùng với đó là việc sát- nhập bộ máy cần phải được cân nhắc kỹ.
Đại biểu dẫn chứng: Hiện chính quyền cấp xã, phường- nơi gần dân nhất, nơi tổ chức triển khai các chính sách, Nghị quyết thì hiện vẫn còn nhìn nhận mờ nhạt. Bởi đội ngũ cán bộ chắp vá, nhiều mặt hạn chế; cơ sở vật chất cho cấp xã còn khó khăn; chính sách cho cán bộ cấp xã thấp hơn tất cả các cán bộ hành chính hiện nay.
Cán bộ công chức, viên chức cấp xã còn khoảng cách khá lớn với cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện. Chế độ đãi ngộ cán bộ công chức cấp xã còn bất cập. Việc phân cấp, phân quyền cho hành chính cấp xã hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả của cơ quan gần dân nhất.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh phân cấp, phân quyền lại cho cấp xã nhiều hơn. Đồng thời cần chú trọng đào tạo cán bộ cho phù hợp, chính quy bài, bản và có chế độ bài bản, phải đồng bộ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Có như thế mới phát huy được hiệu quả của cơ quan hành chính gần dân nhất.
Đề cập đến chủ trương sát nhập, chia tách bộ máy hành chính. Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng việc "nhập vào", "tách ra" mang yếu tố chủ quan của những người được giao phụ trách nhiều hơn. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính với phương châm không để nhiệm vụ trùng lắp, hạn chế bộ máy trung gian là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, để triển khai cụ thể thì Chính phủ cần lắng nghe, thảo luận kỹ khi tính toán hợp nhất hay chia tách.
Đại biểu nêu ý kiến: Có ý kiến hợp nhất 3 văn phòng Đại biểu Quốc hội, UBND, HĐND làm một nhưng theo tôi chưa phù hợp. Bởi vì các cơ quan này làm nhiệm vụ tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho ủy ban triển khai, rồi lại tham mưu hội đồng nhân dân giám sát thì không khách quan, không đảm bảo tinh thần của Hiến pháp. Hoặc có phương án Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ nhập vào với Sở Nội vụ, Thanh tra Nhà nước nhập với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy... Vậy việc hợp nhất các cơ quan này vào thì được gọi là cơ quan của cấp ủy hay cơ quan chuyên môn của chính quyền, khi mà các nhiệm vụ của các cơ quan này hoàn toàn khác nhau.
Từ những băn khoăn trên và để đảm bảo theo tinh thần của Hiến pháp, đó là các cơ quan có sự phân công phối hợp nhưng phải có sự kiểm soát lẫn nhau, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị Chính phủ cần lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tham gia với Chính phủ về chủ trương nhập hay tách các cơ quan hành chính.
Trước đó, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, một số đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo cắt giảm giấy phép con, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo có tính cạnh tranh trong đội ngũ công chức; giảm các cuộc kiểm tra, thanh tra, nhất là các cuộc trùng lặp về nội dung, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tránh tình trạng "Chính phủ ngày càng kiến tạo, còn khâu thực thi hành ngày càng bạo".
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng góp ý về phát triển hệ thống bán lẻ; xem xét triển khai thí điểm sử dụng tiền ảo; phát triển dịch vụ logistic; phát triển khoa học, công nghệ gắn với sản xuất, thị trường; phân bổ ngân sách đầu tư, phát triển gắn với đặc thù vùng miền và tính trọng điểm của địa phương; bổ sung nhóm hàng quả, rau, củ vào ngành hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu; đề nghị đánh giá rõ nét hơn về vấn đề quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; vấn đề bảo vệ môi trường tại các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Ngoài ra, các đại biểu cũng phát biểu làm rõ một số vấn đề quan trọng khác.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu giải trình nội dung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình các nội dung: Phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; về công tác phòng, chống buôn lậu...
Mai Lan