Trước khi diễn ra phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh.
Theo đó, ngay sau khi có thông tin có thể có nạn nhân là người Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an phối hợp xác định danh tính các nạn nhân theo đề xuất của phía Anh, đồng thời điều tra phát hiện các vụ việc, các đường dây tổ chức đưa người dân Việt Nam ra nước ngoài trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của pháp luật, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định; thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp với Cảnh sát Anh giải quyết vụ việc, thông báo và tư vấn trực tiếp cho gia đình các nạn nhân đề giải quyết hậu sự cho các nạn nhân.
Ngày 3/11, lãnh đạo Chính phủ cũng chủ trì các bộ, ngành liên quan thống nhất kế hoạch bàn giao từ phía Anh để đưa thi thể nạn nhân về Việt Nam trên tinh thần đề cao trách nhiệm của nước ta trong bảo hộ công dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và uy tín hình ảnh của Việt Nam.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết: Sau khi đối chiếu danh tính, lập hồ sơ báo cáo lên Tòa án nước Anh và được đoàn thẩm phán phê duyệt mới được công bố danh tính nên cần phải chờ một vài ngày nữa mới có kết quả chính thức.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: vụ 39 nạn nhân tử vong ở Anh đã gây xúc động mạnh trên toàn thế giới. Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan để xác minh làm rõ các vi phạm bảo hộ công dân.
Đồng thời đề nghị Bộ Công an chỉ đạo, tập trung triển khai làm rõ các đường dây đưa người sang nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.
Trong phiên họp buổi sáng, thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, một số đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá sâu, làm rõ các giải pháp để có hiệu quả hơn trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi môi giới, dụ dỗ, lừa gạt người ra nước ngoài trái pháp luật.
Cũng trong phiên thảo luận, đa số đại biểu cho rằng tình hình tội phạm về môi trường ngày càng có những diễn biến phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước.
Do đó, cần thiết phải có chế tài xử lý mạnh đối với nhóm tội phạm này. Các đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra thảm họa môi trường. Đồng thời chỉ đạo thanh, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo tính răn đe, giáo dục chung về vi phạm pháp luật môi trường.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất các giải pháp đấu tranh phòng, chống các tội phạm như: tín dụng đen; hoạt động các băng nhóm lừa đảo có tổ chức núp bóng doanh nghiệp; ma túy học đường...
Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Mai Lan