Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, với 90,06% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động(sửa đổi).
Theo đó, Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Đáng chú ý là vấn đề tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, đó là quy định đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu tán thành với với quan điểm đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm bởi tính chất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an ninh trật tự xã hội của loại hình dịch vụ này.
Tuy nhiên, do những tranh chấp trong vấn đề nợ, đòi nợ thường rất khó xác định. Do đó, cần thiết phải nâng cao năng lực hoạt động của ngành tư pháp, đáp ứng việc giải quyết những trường hợp này. Để hạn chế những hành vi biến tướng từ dịch vụ này, nhiều đại biểu đề nghị cần xem lại tiêu chí người đại diện theo pháp luật, phạm vi và trình tự thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê như cấm thị uy, đe dọa hoặc hành vi khác uy hiếp con nợ… Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của lực lượng công an về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này.
Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: về doanh nghiệp Nhà nước; về việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; về hộ kinh doanh... qua đó góp phần hoàn thiện dự án luật, làm khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh.
Mai Lan