Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí cao đối với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Dân quân tự vệ sửa đổi.
Tuy nhiên các đại biểu đề nghị, vẫn còn một số điểm dự thảo luật phải quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp tại Điều 17. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, thực tế, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc thành lập đơn vị tự vệ.
Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng việc thành lập đơn vị tự vệ là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Mặt khác, hiện nay nhiều thanh niên thoát ly, đi làm ăn xa rất đông nên tình trạng lực lượng thanh niên tại địa phương không nhiều, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước thì lại thu hút được lượng lớn thanh niên trẻ khỏe có trình độ.
Do đó, để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, các đại biểu đề nghị việc tổ chức, duy trì lực lượng dân quân tự vệ tại các doanh nghiệp là cần thiết để bảo đảm bình đẳng về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các loại hình doanh nghiệp với công tác bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương nhưng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm, nghĩa vụ phải thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong chấp hành phân công, điều động khi có yêu cầu; đồng thời cân nhắc quy định về kinh phí bảo đảm.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng tập trung góp ý về các quy định về: tổ chức, vũ khí, biên chế; các quy định về Ban chỉ huy quân sự cấp xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện dân quân tự vệ; các hoạt động của dân quân tự vệ; điều động dân quân tự vệ; chế độ chính sách, phụ cấp, chi ngân sách tiếp tục rà soát chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi thống nhất. Một số ý kiến góp ý cụ thể vào kỹ thuật lập pháp, sử dụng từ ngữ, bố cục các chương điều đề nghị rà soát chỉnh sửa để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Trong ngày, Quốc hội có phiên họp riêng, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.
Mai Lan