Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 5 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tây Ninh, Sơn La. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình chủ trì buổi thảo luận tổ.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại các điều khoản, đảm bảo chặt chẽ, tường minh hơn. Bởi đây là một trong những đạo luật gốc trong nhóm các luật về kinh tế, có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, cần phải lượng hóa hơn ở những quy định cụ thể nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo đó, đồng chí đề nghị cần làm rõ khái niệm quy định địa bàn và lĩnh vực ưu đãi đầu tư, tiêu chí như thế nào là địa bàn khó khăn? Tiêu chí nào để khẳng định là đầu tư lớn nhưng lại thu hồi vốn chậm? Đối với quy định "có quyền chuyển nhượng, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án" cần phải chặt chẽ hơn nhằm tránh việc lạm dụng Luật để tranh thủ sự ưu đãi đầu tư.
Ngoài ra, đồng chí góp ý cụ thể về quy định ngành nghề cấm kinh doanh, đồng thời đề nghị đưa "cụm công nghiệp" vào là một trong những chủ thể chịu tác động của Luật Đầu tư (sửa đổi).
Cùng tham gia góp ý vào Luật đầu tư (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.
Vì vậy, đại biểu đề nghị phải đánh giá chặt chẽ, cân nhắc kỹ loại hình này để đưa ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Tham gia góp ý cụ thể về một số quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Đinh Tiến Dũng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị cần quy định chặt chẽ về việc giám định vốn đầu tư, vấn đề ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
Thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị cần phải thiết kế một chương riêng về hộ kinh doanh và sửa đổi thành Luật Doanh nghiệp và Hộ kinh doanh.
Thảo luận về hộ kinh doanh được quy định tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc thiết kế các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chưa tương xứng, do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu, ban hành một chương riêng. Hoặc ban hành Nghị định riêng về hộ kinh doanh, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các nội dung về hộ kinh doanh, tiến tời thành lập một dự án luật về hộ kinh doanh.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về hai dự án Luật này.
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu đã góp ý về nội dung cụ thể như: Trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại hai kỳ họp Quốc hội (Điều 75); Thẩm định dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (điều 130).
Đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), thảo luận tại Tổ, các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về một số nội dung như: Độ tuổi thanh niên; cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên; quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong Luật; chủ thể có trách nhiệm đối thoại với thanh niên; quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên; tổ chức thanh niên.
Mai Lan