Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Ngoài ra, đại biểu đã tham gia góp ý về: kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên. Đại biểu cho rằng, hiện nay chi phí cho hòa giải trong các hoạt động tố tụng thì Nhà nước vẫn đang đảm bảo và với quy định như dự thảo là hoàn toàn đúng đắn.
Thảo luật về Luật giám định Tư pháp, đại biểu Mai Khanh cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo, cho đây là một bước thể chế cao hơn về trách nhiệm của các cơ quan có khả năng và được trưng cầu giám định.
Góp ý cụ thể về các điều được quy định trong dự thảo, đại biểu Mai Khanh đề nghị bổ sung thêm vào điều cấm: không được từ chối giám định nếu không có lý do.
Đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với điều kiện giới thiệu, bổ nhiệm giám định viên Tư pháp, đảm bảo yêu cầu chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu giám định. Đồng thời đề nghị cân nhắc việc thành lập Viện giám định thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Theo đại biểu, từ trước đến nay, trong hoạt động tố tụng, cơ quan điều tra vẫn trưng cầu giám định hình sự thuộc Công an các tỉnh, hay Viện kỹ thuật hình sự (Bộ Công an).
Vì vậy, không nên thành lập thêm 1 cơ quan giám định thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân để vừa bảo đảm thu gọn đầu mối, đồng thời vừa bảo đảm tính khách quan của cơ quan chuyên làm nhiệm vụ giám sát pháp luật.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Mai Lan