Thảo luận tại hội trường, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận đó là việc thực thi chính sách khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng: thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tốc độ phát triển của những đột phá trong cách mạng công nghiệp là chưa có tiền lệ.
Đại biểu dẫn chứng: Nếu như trước đây để đạt được con số 50.000 người sử dụng điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm thì gần đây internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ còn hơn 3 năm. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực đã và đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả, thông minh hơn.
Việc ứng dụng các công nghệ mới không chỉ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt của mỗi người dân, cách thức đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ mà cả cách thức quản trị quốc gia của nhà nước. Việc ứng dụng các công nghệ mới, cũng tạo được kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh, đồng thời cũng đòi hỏi một nền tảng pháp lý thích hợp để phát triển các mô hình này.
Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới cũng tác động trực tiếp tới cách thức xây dựng và thực thi pháp luật và đòi hỏi việc xây dựng, thực thi và phản ứng chính sách và nhanh chóng, kịp thời hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai các hoạt động để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16, Quyết định 950, Nghị quyết 17, điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc thích chứng với công nghệ mới, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, theo đại biểu, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều bất lợi do là quốc gia đi sau, trình độ phát triển còn có khoảng cách so với các quốc gia công nghệ hàng đầu, tiềm lực công nghệ và tiềm lực tài chính cho đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ còn hạn chế. "Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy việc vận dụng các thành tựu công nghệ, giúp Việt Nam tăng tốc và thu hẹp khoảng cách với các nước trong quá trình phát triển.
Song cho tới nay, khuôn khổ pháp lý, nhất là các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, quản lý tài sản kĩ thuật số, huy động vốn cộng đồng, kinh tế chia sẻ, bộ dữ liệu cá nhân, chia sẻ và kết nối các cơ sở dữ liệu vẫn chưa được quan tâm, ban hành đầy đủ.
Vì vậy Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm, sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam trong thời gian tới"- đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh) thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN
Tham gia thảo luận ở hội trường về chủ trương thành lập trường nhiều cấp học trên cơ sở thực hiện sáp nhập các trường Tiểu học, THCS ở một số địa phương, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, vào đầu những năm 1980 chúng ta đã sáp nhập cấp 1 và cấp 2 với nhau thành trường Phổ thông cơ sở. Sau 10 năm thực hiện, mô hình này không cho hiệu quả nên Nhà nước đã quyết định tách ra. Nhưng nay lại quay trở lại thực hiện sáp nhập các trường Tiểu học và THCS thành trường nhiều cấp học.
Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc vấn đề này và phải dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để triển khai mô hình giáo dục. "Giáo dục không thể tính đơn giản là bớt đi đầu mối hay bớt đi một vài biên chế. Nhất là hiện nay việc thực hiện mô hình này, mỗi nơi đang có cách hiểu, cách làm khác nhau. Do đó, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc kỹ, tránh tình trạng "nhập vào rồi lại tách ra".
Cũng trong ngày, nhiều đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội năm 2020. Các thành viên Chính phủ đã làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Mai Lan