Theo đó, trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội đã nghe các báo cáo: công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Tham gia thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản đồng tình với nhận định: tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động "tín dụng đen"...
Đại biểu Mai Khanh cho rằng, tội phạm xâm hại trẻ em mà nhất là xâm hại tình dục trẻ em và các tội phạm liên quan đến hoạt động của dịch vụ cầm đồ, các loại hình công ty đòi nợ thuê là 2 loại hình tội phạm mà cử tri và nhân dân đang bức xúc.
Đây là những vấn đề nóng và cần phải được xem xét, đánh giá một cách sâu sắc. Những loại hình tội phạm này đã len lỏi về đến tận miền quê, vùng hẻo lảnh. Do đó, đại biểu đề nghị báo cáo phòng chống, tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ cần phải đề cập nhiều hơn đến việc đấu tranh 2 loại hình tội phạm này và cần có giải pháp hữu hiệu hơn.
Đại biểu nhấn mạnh: Về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, việc giải quyết của các cơ quan tư pháp hay cơ quan tiến hành tố tụng cũng chỉ là giải quyết những hậu quả đã xảy ra.
Đây là tội phạm có chiều hướng gia tăng, đáng báo động, để lại hậu quả rất nặng nề. Trong khi đó, hiện nay công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa đối với 2 loại hình này còn yếu và chưa thỏa đáng. Do đó, Chính phủ cần phải chỉ đạo các ngành thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn một cách quyết liệt hơn, trong đó cần coi trọng công tác tuyên truyền, phòng ngừa, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và mỗi người dân.
Đại biểu cũng cho rằng, thời gian qua các cơ quan chức năng tập trung đấu tranh với loại hình tội phạm "tín dụng đen" và đã có những suy giảm nhất định, song vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nhất là hiện nay, loại hình này đã có dấu hiện biến tướng, khi các tổ chức tín dụng đen đã lợi dụng chính các cơ quan pháp luật để xử lý những vụ việc tài chính.
"Đề nghị Chính phủ cần có nghiên cứu và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, xem hiệu quả đấu tranh giải quyết loại hình tội phạm này đến đâu.
Xem xét có cần thiết phải cấp phép phổ biến cho các công ty này, hoạt động không? trong khi công tác giám sát của các cơ quan chức năng còn rất nhiều hạn chế.
Cần đánh giá hoạt động nở rộ của các công ty tài chính tín dụng này có tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội không? hay chủ yếu gây ra mất trật tự an ninh, xáo trộn.
Trong khi đó có địa phương đã tổng kết rằng hiệu quả hoạt động của các công ty này chỉ đạt 1% trong số tồn tại về vay nợ"- đại biểu Mai Khanh đề nghị.
Mai Lan