Trong phiên làm việc buổi sáng, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với Tờ trình của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan. Khẳng định việc ký kết và gia nhập cũng như phê chuẩn tại kỳ họp này của Quốc hội là một quyết định quan trọng, khẳng định sự chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực trong nước, nâng cao khả năng ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới, nâng cao vị thế của nước ta. Đồng thời nhằm thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do khác.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần chủ động xây dựng đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả. Phát huy hết các cơ hội khi tham gia hiệp định, tránh các rủi ro. Cần tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về cả kinh tế, môi trường, giáo dục, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực mà Việt Nam đã cam kết. Các lĩnh vực văn hóa, các chính sách xã hội, đặc biệt là bảo đảm quyền của công nhân và người lao động. Cần chăm lo tổ chức công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn trong tình hình mới. Cần chú ý hơn bảo đảm môi trường kinh doanh và giữ vững chủ quyền quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng chương trình hành động, thực hiện Hiệp định, nên có cơ chế tập trung xử lý các vấn đề phát sinh khi thực hiện Hiệp định, kể cả những vấn đề tranh chấp và chú ý đến nắm chắc thị trường, dự báo những vấn đề có thể xảy ra, tránh thua thiệt. Đồng thời cần coi trọng công tác tuyên truyền đến toàn xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Hiệp định này, đặc biệt là tuyên truyền đến các doanh nghiệp về những cam kết mới khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, sau khi nghe Báo cáo và Báo cáo thẩm tra tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Theo đó, các đại biểu đánh giá cao kết quả, sự cần thiết, tính đúng đắn của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Và theo quy định của Nghị quyết 30, việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 01/02/2017 đến nay thời hạn thí điểm sắp hết, Chính phủ báo cáo kết quả và đề nghị tiếp tục thí điểm.
Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề lớn cần phải tổng kết đánh giá để quy định ngay trong luật. Đến thời điểm này luật chưa được sửa đổi, bổ sung nên cần thiết kéo dài việc thí điểm để có thêm thời gian làm công tác chuẩn bị. Về thời gian thí điểm, đa số các ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ là kéo dài thêm không quá 2 năm, kể từ ngày 01/02/2019.
Trong thời gian đó, đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ việc triển khai rà soát lại các danh mục mà các nước được áp dụng, các cửa khẩu được nhập cảnh bằng thị thực điện tử để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý...
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Mai Lan