Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, đã có 28 đại biểu phát biểu, tranh luận về Dự án Luật giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Theo đó, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa. Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã sửa đổi nhiều quy định không còn khả thi; đồng thời bổ sung những quy định phù hợp, bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục đã đề ra.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đã chỉ ra nhiều quy định trong dự thảo vẫn còn bất cập, chưa đầy đủ. Đồng thời đề nghị quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục mầm non, trong đó đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định chi tiết về chính sách phát triển giáo dục mầm non để có thể triển khai ngay khi Luật có hiệu lực; nghiên cứu về việc miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, nhất là trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu thấu đáo trong đánh giá tác động khi ban hành các chính sách mới về nâng chuẩn giáo viên mầm non, những chính sách đối với giáo dục miền núi, vấn đề xã hội hóa. Cần phải rà soát để cụ thể hơn các vấn đề mà xã hội đang bức xúc và những vấn đề gây nút thắt trong phát triển giáo dục để từ đó lựa chọn, xác định rõ những vấn đề nào cụ thể được thì cụ thể luôn ở trong Luật để khi triển khai không cần phải đợi các văn bản hướng dẫn, đảm bảo được tính khả thi và Luật đi vào cuộc sống...
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục để hoàn thiện dự thảo luật. Sau kỳ họp này, đề nghị Chính phủ chủ động việc lấy ý kiến nhân dân (trong khoảng tháng 1/2019), sau đó có báo cáo tổng hợp để gửi và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp với Ủy ban thẩm tra để hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 thông qua.
Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật này. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Mai Lan