Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đồng tình với quan điểm mà Ban soạn thảo đưa ra (tại vấn đề thứ 13), đó là: sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm. Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức kế hoạch đầu tư vốn cho các bộ, ngành, địa phương kèm theo nhiệm vụ và tiêu trí, nguyên tắc. Các đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết và báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Văn Phương cũng góp ý cụ thể về những quy định của điều 63, 64 dự thảo Luật.
Đại biểu cho rằng: Khoản 4, Điều 62 quy định "Trước ngày 31/12 năm thứ 5 của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo danh mục dự án đủ điều kiện bố trí vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm vốn ngân sách Trung ương cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương". Như vậy, nếu thông báo danh mục các dự án đủ điều kiện thì lại trở thành tiền kiểm chứ không còn là hậu kiểm.
Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 63 ghi là: Trước ngày 10/12 hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chỉ tiêu chi tiết danh mục và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm sau và dự báo 2 năm tiếp theo cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Nghĩa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xem xét danh mục từng dự án một, được đồng ý thì địa phương mới được làm. Như vậy, không còn là hậu kiểm mà trở thành vấn đề tiền kiểm.
Do vậy, đại biểu đề nghị: nên tính toán và sửa theo tinh thần đã được đề suất trong vấn đề thứ 13 mà Ban soạn thảo đã nêu. Đồng thời nên bỏ quy định tại Điều 88 của dự thảo (về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân). Đại biểu nói: Nếu luật lần này sửa đổi theo tinh thần phân cấp và phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, thay vì tiền kiểm trở thành hậu kiểm thì sẽ không còn chuyện ra đời từng dự án một, không cần bổ sung Điều 88 để giải quyết vấn đề các dự án trong luật này, vừa không đúng với tinh thần Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, vừa không đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà chúng ta đã từng sửa bây giờ lại đưa vào dự thảo thì không hợp.
Cũng trong ngày, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đã có 31đại biểu Quốc hội tham giao thảo luận và tranh luận. Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phát biểu về sự cần thiết ban hành luật; về phạm vi, về đối tượng điều chỉnh của luật.
Nhiều đại biểu đề nghị các quy định cần phải cụ thể hơn, hướng tới ngăn chặn hành vi lạm dụng việc sử dụng rượu, bia đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe con người; đề nghị cụ thể hóa những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước, kể cả đối với quá trình sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Không phải chỉ có sử dụng, bảo đảm an toàn thực phảm, bảo vệ trẻ em; cần làm rõ thêm các hành vi cấm được điều chỉnh trong Luật như cấm sử dụng lao động trẻ em sản xuất rượu, bia.
Cùng với đó, các đại biểu đề nghị cần phải có các cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, kể cả những nhà quản lý và có kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với các dự luật khác...
Mai Lan