Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn. Sau khi trả lời chất vấn của đại biểu QH tại kỳ họp này bằng văn bản, Thống đốc trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH tại hội trường. Liên quan đến gói kích cầu lần thứ nhất và hạn chế trong điều hành về chính sách tiền tệ còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, điển hình là quyết định thắt chặt tiền tệ quá đột ngột và mức độ cao vào cuối năm 2007, các đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết trách nhiệm trong việc điều hành chính sách tiền tệ và biện pháp khắc phục những hạn chế. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc đưa ra con số chỉ có 20% số doanh nghiệp tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất là chưa phù hợp vì chủ trương hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng chọn lựa một số đối tượng, đặc biệt là đối tượng sản xuất, xuất khẩu và các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động và thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn và cần vay vốn của ngân hàng, còn một số doanh nghiệp muốn tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất lại không đủ điều kiện vay vốn. Qua nắm thông tin phản hồi từ doanh nghiệp và các địa phương đều đánh giá việc tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất là có hiệu quả. Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, mà chỉ nới lỏng thận trọng. Hiện nay lãi suất hạ rất thấp, đối với tiền gửi không thời hạn còn có 3%, tiền gửi có kỳ hạn chỉ có 1%.
Trả lời băn khoăn của đại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh) về biện pháp của NHNN phối hợp với các bộ, các địa phương để khắc phục tình trạng còn có doanh nghiệp sử dụng vốn vay hỗ trợ lãi suất sai mục đích, đẩy nhanh tiến độ triển khai cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, hiệu quả cao, đúng đối tượng, Thống đốc cho biết, việc triển khai hỗ trợ lãi suất thời gian qua có sự hiệp lực cộng đồng trách nhiệm rất lớn giữa ngành và địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí. Việc kiểm tra trước, trong, và sau cho vay là nguyên tắc của tín dụng. Ðợt thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất này tương đối đặc thù hơn, NHNN đã đi nhiều địa phương kiểm tra, khi phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm minh.
Giải trình làm rõ thêm những điểm nói trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc nhận định, những chính sách lớn mà Chính phủ đã trình QH được Quốc hội thông qua là đúng đắn, trong đó kể cả những chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ năm 2007 đầu năm 2008 và các chính sách hiện nay. Năm 2007, dưới biến động của tình hình tăng trưởng tín dụng tăng cao, tổng phương tiện thanh toán tăng đến 46,88% là những chỉ số kinh tế vĩ mô không ổn định. Trước tình hình đó chúng ta có chính sách và phản ứng kịp thời, việc kiềm chế lạm phát đương nhiên dẫn tới thắt chặt tín dụng. Trong điều kiện thắt chặt tiền tệ, một số doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý (năm 2008 ở mức 6,2%). Tất cả các giải pháp đồng bộ của gói kích cầu giúp nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý của năm 2009. Ðánh giá về gói kích cầu trong phiên họp Chính phủ tháng 10-2009, Chính phủ đánh giá tổng thể là được, nhưng đi vào cụ thể còn một số điểm cần lưu ý, rút kinh nghiệm. Số lượng 20% số doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất là điều đương nhiên, vì doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiện nay phần lớn dựa vào vốn gia đình, vốn tự có, vốn vay mượn trong nội bộ gia đình, một phần sử dụng nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, không phải 100% tiếp cận với vốn ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (TP Hà Nội), Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) về phản ứng của NHNN trước biến động giá vàng rất bất thường thời gian qua và tình trạng các sàn giao dịch vàng chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy cơ bất ổn trong thị trường tiền tệ, Thống đốc cho biết, từ năm 1999 sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 174 giao nhiệm vụ cho NHNN có chức năng quản lý vàng trong việc xuất khẩu và chế biến vàng miếng, còn vàng hàng hóa trên thị trường bị điều chỉnh bởi Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp. Khi giá vàng thế giới biến động nhanh, NHNN theo dõi liên tục, đặc biệt vào chiều ngày 6, ngày 9, 10-11 thấy diễn biến khá phức tạp, NHNN đã họp đánh giá tình hình, trong đó xem xét có tình trạng nhân dân rút tiền gửi để mua vàng hay không. Theo tính toán, lượng vàng trong dân còn rất lớn, không có sự mất cân đối giữa cung và cầu mà giá vàng lại tăng, nên NHNN đã cân nhắc kỹ và đưa ra quyết định dùng giải pháp công bố cho nhập vàng, nên giá vàng đã giảm. Việc cho nhập vàng sẽ tăng nhập siêu, nhưng tuần qua lượng vàng nhập không đáng kể và quyết định này là kịp thời chứ không muộn. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, từ khi có Nghị định 174, vàng trở thành hàng hóa bình thường, không phải là hàng hóa đặc biệt và từ khi có sàn giao dịch vàng, chiểu theo các văn bản quy phạm pháp luật thì không có cơ quan nào quản lý, các ngân hàng hoạt động lĩnh vực này không có văn bản nào điều chỉnh. Thống đốc NHNN hiện chưa cấp giấy phép nào cho hoạt động sàn vàng và đối với hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm này NHNN đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý để quản lý.
Các đại biểu QH đánh giá, việc triển khai cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất vừa qua của Chính phủ nhìn chung đạt hiệu quả, được sự đồng tình cao; tuy nhiên việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay vốn trong nông dân rất khó khăn do quá nhiều thủ tục, điều kiện cho vay khắt khe, không phù hợp, tiền vay ít nên nông dân với tay không tới Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Hùynh Thị Hoài Thu (Ðồng Tháp) đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu về những giải pháp tháo gỡ khó khăn nói trên. Thống đốc cho biết, mục tiêu đặt ra là vừa hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng thời phát triển ngành cơ khí trong nước, tuy nhiên thực tế đã nảy sinh một số vướng mắc. Hiện nay, ba nội dung lớn đang được các bộ đề xuất chỉnh sửa gồm: tiêu chuẩn nội địa hóa, bỏ thủ tục xác nhận của UBND xã và giới hạn cho vay một ha tối đa bảy triệu đồng để bà con nông dân tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn. Giải pháp lâu dài là Chính phủ giao cho NHNN phối hợp các bộ soạn thảo một nghị định đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay đã hoàn thiện Nghị định và nếu Nghị định này được ban hành, hiệu quả tiếp cận vốn vay của nông dân sẽ tăng cao hơn.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Ðức Phát cho biết, Quyết định 497 chỉ là một trong nhiều giải pháp kích cầu hướng vào hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn vì bên cạnh cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định này còn những chương trình cho vay lớn hơn. Trong tổng số vốn vay có hỗ trợ, khoản dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm tới 46%. Chính sách miễn, giảm thuế cũng ưu tiên các doanh nghiệp ở các làng nghề, đóng ở địa bàn nông thôn và trực tiếp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. NHNN đã cố gắng phối hợp Bộ NN và PTNT và các bộ triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định 497 muộn hơn so với các quyết định khác và còn có những tồn tại. Vì thế, Chính phủ có chủ trương kéo dài thực hiện đến hết năm 2010 và giao cho các bộ phối hợp điều chỉnh lại cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con nông dân.
Ðại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh)... nêu ra vấn đề về nợ xấu, tình trạng tín dụng đen, vay nóng lãi suất cao ở bên ngoài để trả nợ cho ngân hàng, việc cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận (hiện nay gấp hai lần lãi suất cơ bản) và đặt câu hỏi về phản ứng, điều chỉnh của NHNN. Thống đốc NHNN trả lời, nợ xấu đến nay chiếm trong tổng dư nợ chỉ 2,34% và tỷ lệ này khá an toàn. Qua kiểm tra cho thấy, vấn đề vay nóng đảo nợ cũng không phổ biến trong thời kỳ cho vay hỗ trợ lãi suất và việc các doanh nghiệp đến hạn trả nợ ngân hàng muốn tiếp tục vay nợ cũng được xem xét kỹ lưỡng. Tại kỳ họp thứ tư của QH, QH cho phép các tổ chức tín dụng điều hành lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản Nhà nước quy định, nhưng được phép cho vay lãi suất thỏa thuận đối với một số dự án. NHNN đã xin phép Thủ tướng và vận dụng cho vay lãi suất thỏa thuận, áp dụng từ đầu tháng 2 đến nay.
Ngoài ra Thống đốc NHNN Việt Nam đã trả lời câu hỏi của các đại biểu QH về trách nhiệm của NHNN đối với mức mất giá của đồng tiền Việt Nam; hiệu quả sử dụng khi phát hành đồng tiền kim loại; kế hoạch hạn chế sử dụng tiêu dùng bằng tiền mặt...
Buổi chiều, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất vấn của các đại biểu QH về công tác quản lý báo chí; quản lý Internet; quy hoạch và thực hiện quy hoạch hệ thống hạ tầng cơ sở viễn thông; lắp đặt lắp đặt các trạm thu phát sóng điện thoại di động xây dựng trong các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân…..
Theo Nhandan