Tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có 59 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn, gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn thiếu sót, hạn chế, tồn tại và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống biến đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như rất nhiều đại biểu đã chất vấn. Vì vậy cần có những giải pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới, cả trước mắt và lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề: Rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn.
Có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Triển khai quy hoạch xử lý rác thải, xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải. Quản lý chặt tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước, làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đánh giá phân loại nhà đầu tư, không triển khai các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vị phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông, gây sạt lở, xây dựng chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ngay sau phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về: thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em..
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động khu vực FDI trước xu hướng thất nghiệp sau 35 tuổi tại khu vực này gia tăng, nhất là lao động nữ. Bộ trưởng khẳng định cùng với đóng góp kinh tế thì khu vực FDI góp phần rất quan trọng vào giải quyết lực lượng lao động. Tính đến nay riêng khu vực FDI có khoảng 2,68 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Phần đa, những tập đoàn, những doanh nghiệp FDI lớn rất quan tâm đến đời sống phúc lợi của người lao động.
Về ý kiến nói "thời gian vừa qua, tỷ lệ ở các doanh nghiệp FDI xa thải số người tuổi 30, 35 là tỷ lệ lớn", Bộ trưởng khẳng định "không có chuyện này" và cho biết: thời gian vừa qua, ngay sau khi có thông tin Bộ đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, đi khảo sát và đi kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp và một số doanh nghiệp của ba tỉnh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả cho thấy "con số không phải như thế". Chỉ có 11%, trong số 11% của những người nghỉ việc hoặc xin nghỉ việc hoặc nghỉ một lần vì nhiều lý do khác nhau, nằm trong số này, số ở độ tuổi 30, 35. Tất cả số nghỉ này có thể là vì nguyện vọng cá nhân hoặc nghỉ một lần chứ không phải bị sa thải...
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng một dự án về tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, người lao động FDI khi thất nghiệp; hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nói chung để đào tạo, chuyển nghề cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất mà nguy cơ người lao động phải thay đổi hoặc không có việc làm.
Về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho biết chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đào tạo còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về kỹ năng, thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh... do đó thời gian tới ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động...
Mai Lan