Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân. Đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp cần phải được rà soát kỹ, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính khả thi.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các quy định về: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước; về nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước; về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập; về đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập; về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc....
Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị việc xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cần được cân nhắc thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.
Tham gia thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng để phòng, chống tham nhũng vấn đề quan trọng nhất là cần phải thực hiện cơ chế công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Lâu nay, việc thực hiện công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, những vấn đề thuộc trách nhiệm dân được biết, được bàn, dân được làm, dân được kiểm tra thì thực hiện vẫn chưa tốt. Chúng ta vẫn nói rằng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước của mình thông qua người đại diện. Nhưng người đại diện của mình khi làm gì thì lại không cho dân biết.
Đại biểu dẫn chứng: các dự án BOT, nếu công khai ngay từ đầu cho người dân được biết, được tham gia thì không thể có chuyện làm đường một chỗ và đặt trạm thu phí một chỗ, không dẫn đến tình trạng bức xúc đã xảy ra ở một số dự án BOT. Điều đó cho thấy vấn đề thực hiện công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình là rất quan trọng
Đóng góp cụ thể vào Điều 8, Điều 9, Điều 10 của dự thảo luật đại biểu cho rằng quy cần quy định những vấn đề trọng yếu rất dễ xảy ra tham nhũng thì cần phải quy định rõ công khai như thế nào để đảm bảo vai trò giám sát của người dân. Đại biểu nhấn mạnh những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: các dự án đầu tư công; vấn đề giao đất, cho thuê đất; kê khai thuế; đấu thầu quyền khai thác tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá tài sản công cần quy định chặt chẽ hơn về những vấn đề gì cần công khai và hình thức công khai. "Nếu người được tham gia sớm sẽ không có những công trình, dự án đắp chiếu. Bởi vì trình độ dân trí nâng cao, nhiều ý kiến của nhân dân rất sắc sảo và họ đã đóng góp rất hiệu quả"- đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.
Góp ý về Điều 32: thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập, đại biểu Bùi Văn Phương đồng ý với phương án 2 của dự thảo luật. Nhưng đề nghị cần điều chỉnh lại, nếu quy định "Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã" thì quá lớn và không thể đảm đương được. Trong khi đó chúng ta có thanh tra huyện.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định: Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản thu nhập của phó, trưởng phòng cấp sở trở lên và kiểm soát ở cấp huyện là Phó chủ tịch và tương đương trở lên. Còn lại từ cấp xã đến Phó, trưởng phòng cấp huyện thì giao cho Thanh tra huyện; đối với tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức ở các cơ quan thì giao cho tổ chức cơ quan kiểm soát.
Mai Lan