Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã có 21 đại biểu đã phát biểu và 8 đại biểu phát biểu tranh luận.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với sự cần thiết đối với Luật Công an nhân dân, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Bộ Công an trong việc sắp xếp tinh giản bộ máy trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy, quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân và liên quan đến hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, các quy định của dự luật cần phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Một trong những nội dung thu hút nhiều ý kiến của đại biểu trong phiên thảo luận, đó là quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan công an nhân dân trong dự thảo luật. Một số ý kiến cho rằng, về mặt nguyên tắc quy định vấn đề cấp bậc quân hàm cũng phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp, đó là chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quy định về cấp hàm trong lực lượng vũ trang. Đồng thời cần quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết 22 cũng như ý kiến của Bộ Chính trị trước đây tại Thông báo 147/2013: việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ ngay trong luật, đúng yêu cầu, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong cấp tướng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về giải thích một số khái niệm, từ ngữ và phân loại cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của công an nhân dân, về thẩm quyền của Thủ tướng bổ nhiệm cục trưởng Cục đặc biệt, về việc thành lập các đồn, trạm công an, phân tích làm rõ nội dung về công nghiệp an ninh, về tuổi nghỉ hưu, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân, về trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành đối với công an nhân dân...
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi. Theo đó, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi và đóng góp cụ thể về phạm vi điều chỉnh của luật, khái niệm, từ ngữ, danh mục vật nuôi, quản lý giống vật nuôi, quản lý thức ăn chăn nuôi, quản lý hoạt động chăn nuôi, quản lý môi trường chăn nuôi, chất thải trong chăn nuôi và các chính sách của Nhà nước về chăn nuôi cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.
Các đại biểu đề nghị rà soát lại dự thảo luật, nghiên cứu, hoàn chỉnh để đảm bảo bao quát tất cả những nội dung cần điều chỉnh để quy định thật đầy đủ, rõ ràng, tránh chồng chéo và mang tính khả thi cao.
Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua 2 dự án luật, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ.
Mai Lan