Trong phiên họp buổi sáng, sau khi nghe: Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo (sửa đổi).
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 10 chương, 118 điều. Một số nội dung sửa đổi bao gồm phạm vi điều chỉnh, áp dụng Luật này, các luật khác có liên quan, trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, xác định thị phần và thị phần kết hợp, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế, tố tụng cạnh tranh và xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Luật quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019.
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019.
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) được thông qua gồm9 Chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Luật có hiệu lực từ 1/1/2019.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan