Trước khi tiến hành bế mạc phiên chất vấn, đầu giờ chiều, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Có 71 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về công tác phòng chống thuốc giả; quyết tâm của Chính phủ trong phòng chống tham nhũng; giải pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm cà phê, tiêu và các sản phẩm nông nghiệp khác...
Trả lời về giải pháp ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt là vụ thuốc ung thư giả... Trước tình hình này, một mặt Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời tăng cường công tác đấu thầu thuốc tập trung tại 2 kênh Bộ Ytế, BHXH Việt Nam... để bảo đảm chất lượng thuốc đầu vào, giảm chi phí giá thuốc (trong đó giá biệt dược cũng giảm); tăng cường công tác quản lý chất lượng và quy trình kê đơn, bán thuốc. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm chất lượng và giảm giá thuốc.
Về vấn đề chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết công cuộc này vừa qua đã đạt được những kết quả to lớn, được đồng bào cử tri ủng hộ, quốc tế đánh giá cao. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết quả thanh tra đã báo cáo trước Quốc hội. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng... Trong thời gian tới Chính phủ nghiêm túc thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trả lời chất vấn của đại biểu về việc nếu Quốc hội thông qua luật về đặc khu thì tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu đặc khu như thế nào? Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu? Về vấn đề phát triển văn hóa- xã hội, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường...
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: sau 3 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Qua các phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri, dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn.
Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn "hỏi ngắn, đáp gọn" tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao. Tại các phiên chất vấn, đã có hơn 250 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn hầu hết các câu hỏi đặt ra.
Quốc hội ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu, sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn; trong chỉ đạo, điều hành khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội.
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn còn có nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát, nhưng chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu như mong đợi; do vậy, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Kỳ họp này, UBTVQH sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện.
Trước đó, buổi sáng đã có 69 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về nhóm vấn đề: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về nguyên nhân căn bản làm chất lượng giáo dục suy giảm. Đại biểu cho rằng: Rất lâu rồi trong giáo dục phổ thông không nghe thấy cụm từ "lưu ban" nghĩa là học thế nào, rèn luyện thế nào cũng lên lớp và cũng tốt nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng nhìn nhận hệ lụy gì phía sau việc đánh giá học sinh, cho học sinh chuyển cấp và lớp như hiện nay. Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?
Đối với vấn đề tranh luận của đại biểu Bùi Văn Phương và một số đại biểu khác do thời gian chất vấn không còn nên Chủ tịch Quốc hội cho phép Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình bằng văn bản.
Mai Lan