Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Ninh Bình.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu tập trung thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đã có 17 ý kiến phát biểu, có 2 ý kiến tranh luận. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã giải trình, tiếp thu, làm rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Tư pháp (Cơ quan chủ trì thẩm tra) trong việc chuẩn bị Tờ trình, hồ sơ dự án luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét; đồng thời cơ bản thống nhất với nội dung trong các báo cáo.
Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP); đồng thời, tháo gỡ những khó khăn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về việc dự thảo Luật bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý; việc bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự và quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, do thiên tai, dịch bệnh…
Vào cuối phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu quốc hội tỉnh nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đồng thời góp ý cụ thể về các quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10); Quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu (Điều 22); Quy định về người thụ hưởng (Điều 39).
Theo đó, đối với các hành vi bị nhiêm cấm, có đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm một nội dung, đó là: "Nghiêm cấm hành vi từ chối bán bảo hiểm cho người có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm".
Theo đại biểu: Kinh doanh bảo hiểm là việc kinh doanh rủi ro, và các doanh nghiệp bảo hiểm thì luôn hướng đến mục tiêu là lợi nhuận. Do đó, rất dễ phát sinh việc doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn đối tượng khách hàng, doanh nghiệp sẽ chọn khách hàng có ít rủi ro và hạn chế các khách hàng có nhiều rủi ro. Và nếu như doanh nghiệp bảo hiểm chỉ nhận phần lợi về mình thì mục đích tốt đẹp của bảo hiểm sẽ bị mất đi.
Góp ý cụ thể về khoản 2 Điều 39 của Dự thảo Luật (Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi, hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ của họ có thể chỉ định người thụ hưởng), các đại biểu cho rằng để đảm bảo tính thống nhất với điều khoản khoản 13, Điều 3 (dự thảo Luật) và phù hợp với thực tiễn, đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 39 Dự thảo Luật theo hướng: Đối với người được bảo hiểm chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ năng lực hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì bên mua bảo hiểm chỉ định người thụ hưởng và phải có sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm.
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Các nội dung của kỳ họp sẽ được Báo Ninh Bình tiếp tục cập nhật.
Mai Lan