Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, các vị đại biểu trong đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Thảo luận tại tổ về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo.
Đại biểu cho rằng: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt, nhất là khi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã cho thấy được nỗ lực lớn của các lực lượng và vai trò của nhân dân, sự chung tay của doanh nghiệp; đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Song, trên thực tiễn quá trình phòng, chống dịch bộc lộ một số khó khăn cần có giải pháp khắc phục như: đời sống người dân bị ảnh hưởng lớn; năng lực ứng phó với dịch của y tế cơ sở…
Thời gian tới, đại biểu đề nghị cần xây dựng kịch bản cụ thể về tăng trưởng kinh tế; kịch bản phục hồi kinh tế sau COVID-19. Cần có giải pháp để giải quyết tốt các vấn đề như: nhà ở xã hội, các thiết chế cho công nhân lao động, giáo dục online…
Phát biểu tại tổ, đại biểu Mai Khanh, Đinh Việt Dũng đề nghị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần nghiên cứu điều chỉnh cơ chế phòng, chống dịch theo hướng thống nhất, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Các giải pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tính hiệu quả, tránh lãng phí. Công tác tiêm phòng vắc-xin cần ưu tiên hơn cho các nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc, làm việc tại các doanh nghiệp để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Đẩy mạnh hơn nữa tới công tác tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả hơn, tránh gây hoang mang dư luận. Cùng với đó cần quan tâm tới công tác thi đua khen thưởng, vinh danh những lực lượng, người dân tiêu biểu trong công tác này để tạo hiệu ứng lan tỏa, quyết tâm hơn trong phòng chống dịch.
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) cơ bản đồng tình với các nội dung trong báo cáo.
Đồng thời đề nghị: trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 cần làm rõ giải pháp để đạt chỉ tiêu về kinh tế số, phát triển hạ tầng số. Chính phủ cần xác định rõ cơ chế để hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số; rà soát đánh giá lại chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất…, nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo chương trình, buổi chiều, sau khi nghe trực tuyến các Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu tiến hành thảo luận tổ về các dự án luật này.
Mai Lan