Trong phiên họp buổi sáng, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh; các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung góp ý cụ thể về một số quy định: chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại; quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên; quy định về bổ nhiệm lại hòa giải viên; mối quan hệ giữa Tòa án và hòa giải viên...
Trong ngày, Quốc hội giành nhiều thời gian để thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Qua thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận).
Do đó, các đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Một số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, có quy định đối tượng được thụ hưởng rõ ràng để dễ dàng quản lý và bảo đảm ổn định đối với nông dân, góp phẩn thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Đồng thời đề nghị thời hạn thực hiện Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đến 31/12/2030.
Cũng trong ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Luật Thanh niên (sửa đổi).
Mai Lan