Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 5 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.
Tham gia thảo luận ở tổ về Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với các nội dung báo cáo. Đồng thời tham gia đề xuất các giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.
Theo đại biểu, đây là xu thế tất yếu, cấp bách, hướng đến một xã hội minh bạch hơn, góp phần đẩy lùi tham nhũng, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hơn... Tuy nhiên, việc ứng dụng và triển khai các dự án công nghệ thông tin thời gian qua vẫn còn dàn trải, phân tán, chưa tạo ra nền tảng mang tính chất nhất định.
Để ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất: trong thời gian tới Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách thúc đẩy thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực; rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ; xây dựng cơ chế đặc thù, tăng cường xã hội hóa, phát huy hợp tác công tư; sớm cụ thể hóa Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần có hướng dẫn, khung tiêu chí, lộ trình, nguồn lực cụ thể để các địa phương tham gia vào kế hoạch tổng thể chung; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp một cách rộng rãi.
Quan tâm đến vấn đề về phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nêu: Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tới 70% cơ sở lưu trú phải tạm dừng hoạt động, 85% lao động trong tổng số 20.000 lao động trong lĩnh vực du lịch tạm nghỉ việc. Trong 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu từ du lịch của tỉnh giảm 65,2%, lượng khách du lịch giảm 73,1%.
Sau thời gian giãn cách xã hội, mặc dù du lịch Ninh Bình đã có những khởi sắc tích cực, nhưng để kích cầu du lịch tổng thể, đồng bộ, đại biểu đề nghị: Chính phủ cần có chính sách giãn nợ nộp tiền thuế đất, thuê đất năm 2020 cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương giảm giá điện cho không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú mà còn cho cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khác như: các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, tuor du lịch...; đồng thời áp dụng mức giá điện theo đơn giá sản xuất cho các đơn vị này để đảm bảo kích cầu du lịch.
Đề nghị Ngân hàng, các bộ, ngành liên quan triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép Ninh Bình tiếp tục được đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021.
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong triển khai và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2020. Đặc biệt, đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Đến nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Qua phòng, chống dịch, người dân có niềm tin lớn hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Về giải pháp phát triển kinh tế- xã hội những tháng cuối năm 2020, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường, việc làm thế nào để vừa phát triển kinh tế đi đôi với công tác chống dịch đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân. Các giải pháp khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó có các chính sách tài khóa, nới lỏng tín dụng, đầu tư công... cần phải xoay quanh trục: kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhằm tránh lạm phát, khó khăn về an sinh xã hội, những bất ổn về kinh tế vĩ mô như chúng ta đã từng gặp trong giai đoạn 2008-2010.
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu: Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cũng đã tích cực tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm 2020; đồng thời thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.
Mai Lan