Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tham gia thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Ninh Bình, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) góp ý cụ thể về quy định hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP.
Theo đại biểu, bản chất dự án PPP là đầu tư công, do Nhà nước chủ trì, đứng ra để mời gọi thêm nhà đầu tư tư nhân tham gia, dự án được lập dựa trên chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước. "Bản chất của hợp tác công- tư ở đây là đầu tư công, mà đã là đầu tư công thì chúng ta phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định của Luật kiểm toán"- đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, có 3 vấn đề phải tính toán để kiểm toán trong dự án PPP. Thứ nhất, đó là kiểm toán tính tuân thủ; thứ hai: kiểm toán giá trị công trình và thứ ba là kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế. Kiểm toán tính tuân thủ nhằm đảm bảo xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng các quy định của hợp đồng và các quy chế của dự án không? Đây là yêu cầu số 1 và phải được tiến hành ngay từ đầu.
Kiểm toán giá trị công trình, phải được thực hiện ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án để làm căn cứ cho việc Nhà nước trả lại phần chi phí cho nhà đầu tư bằng tài sản công. Kiểm toán về tính hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án nhằm đảm bảo công khai minh bạch.
"Thực tiễn nếu các dự án không muốn kiểm toán, ngại kiểm toán thì đó là điều bất bình thường. Bởi khi Nhà nước đã kêu gọi hợp tác công tư PPP thì phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, Nhà nước, người dân, Nhà đầu tư và không bao giờ để Nhà đầu tư chịu thua thiệt. Một khi đã làm đúng, tuân thủ đúng pháp luật thì không có việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, kiểm tra. Còn nếu ngại đối mặt với những việc đó thì đó là những điều không bình thường và chúng ta đã có những bài học đầy đau xót trong thời gian qua. Gần đây, như Quốc hội đã biết 12 đại dự án của ngành công thương, nếu tuân thủ chặt chẽ một cách nghiêm túc chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán Nhà nước thì có lẽ không để hậu quả như vậy"- đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho ý kiến về các quy định liên quan đến hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); lĩnh vực đầu tư...
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Cũng trong ngày, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Mai Lan