Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri các địa phương (thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, Nho Quan). Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cử tri Ninh Bình đã bày tỏ nhiều ý kiến về các vấn đề bất cập nảy sinh từ thực tiễn cần được Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết. Trong đó, cử tri bày tỏ những lo lắng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc biến đổi khí hậu, thiếu vốn đầu tư, bao tiêu nông sản, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lúa giống tràn lan.
Cử tri đề nghị cần có chính sách kích cầu "đủ lực" nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến, hiện đại. Việc làm này không những giải quyết việc làm cho lao động của địa phương, tránh gây lãng phí đất đai mà còn tạo điều kiện để địa phương thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, nhất là lĩnh vực an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách cụ thể trong tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, đồng quê, trải nghiệm; có cơ chế đặc thù, ưu tiên hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, mua máy móc hiện đại ứng dụng vào sản xuất. Tiếp tục có chính sách vay vốn và gia hạn vay vốn cho các vùng sản xuất cây, củ, quả có chu kỳ sản xuất từ 3 đến 10 năm.
Tại các cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn, trăn trở về một số hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước như: Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi; vấn đề nợ công, lợi ích nhóm là một trong những nguyên nhân làm cản trở cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; an toàn thực phẩm; tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới; tình trạng ô nhiễm môi trường; tai nạn giao thông, tội phạm xã hội diễn biến phức tạp; tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản của đất nước... Ông Đinh Xuân Hiếu, cử tri phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn: Trong khi tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi thì việc thu hồi tài sản tham nhũng của các đối tượng dường như vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu. Do đó, Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về vấn đề này, đảm bảo xử lý nghiêm minh, hiệu quả các hành vi tham nhũng, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Cử tri cũng bày tỏ những quan ngại về việc tăng giá điện, xăng, gas; dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân. Những tiêu cực của ngành Giáo dục như tình trạng xâm hại tình dục trẻ vị thành niên; tiêu cực trong thi cử; bạo lực học đường..., gây tâm lý bất ổn cho xã hội. Ông Phạm Văn Đằng, cử tri phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình) đề nghị: Đối với những tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào các trường đại học thời gian qua, cần đưa ra xét xử nghiêm minh. Đồng thời quy rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, những tiêu cực trong thi cử, tình trạng xâm hại tình dục học đường...
Vấn đề về chính sách xã hội, chính sách cán bộ được khá nhiều cử tri quan tâm. Cử tri cho rằng, thực tế hiện nay, chính sách cán bộ ở một số đối tượng còn chưa hợp lý, đồng đều, nhất là chế độ phụ cấp cho cán bộ công chức cấp xã hay sự chênh lệch phụ cấp giữa khối Đảng, đoàn thể và chính quyền. Đối với chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cử tri đề nghị Nhà nước nên tính toán hỗ trợ sinh kế, trao cơ hội làm ăn để đối tượng này có cơ hội thoát nghèo bền vững. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng mức cho vay làm nhà đối với hộ nghèo. Cũng liên quan đến vấn đề chính sách, cử tri phản ánh hiện nhiều đối tượng tham gia kháng chiến dưới 15 năm nhưng chưa được hưởng trợ cấp thường xuyên, hoặc mức trợ cấp thấp nên đề nghị Nhà nước quan tâm giải quyết, tránh thiệt thòi cho đối tượng này.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp) với việc thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Trong đó, 7 dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, đưa luật vào cuộc sống, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào 4/9 dự thảo luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội theo sự phân công của Đoàn cũng đã chủ động thu thập ý kiến của cử tri, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia để tổng hợp, nghiên cứu và cho ý kiến vào các dự thảo Luật.
Đồng chí Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung nhằm tham gia một cách tích cực, chủ động, đóng góp vào thành công của kỳ họp.
Mai Lan