Sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 77 đại biểu phát biểu, có 9 đại biểu tham gia tranh luận. Theo đó, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, các đại biểu đều đánh giá năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực: niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; các lĩnh vực xã hội khác đạt kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được mở rộng, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng cần đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về những vấn đề sau: Kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; những khó khăn, khiếm khuyết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; công nghiệp cơ khí chế tạo và sự đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài đối với nền kinh tế; về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác quản lý đất đai...
Về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019: Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình những tháng đầu năm 2019 và cho rằng đây là kết quả từ sự nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp ngay từ đầu năm; đồng thời, mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo niềm tin, góp phần an dân, ổn định xã hội, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế, tạo nền tảng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết; có giải pháp để kịp thời tăng hiệu quả đầu tư và vấn đề kiểm soát CPI; việc tăng giá một số mặt hàng như giá điện, xăng.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đã phản ánh những vụ việc, hiện tượng cụ thể liên quan đến vấn đề xuống cấp của đạo đức, văn hóa; các vụ án thương tâm, các vụ án ma túy với khối lượng lớn; vấn đề đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói, giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa; vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt; công tác phòng cháy chữa cháy...
Đóng góp ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; có các giải pháp xử lý các vấn đề vướng mắc liên quan đến các dự án PPP; đổi mới thủ tục giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.
Tập trung giải quyết các vướng mắc về đất đai; có giải pháp căn cơ về đào tạo, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chú ý đến các bệnh viện ở vùng biên giới, hải đảo; tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn; đặc biệt là phải sớm có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.
Về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017, các đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách Nhà nước năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước cũng như nhiều vấn đề được nêu trong báo cáo thẩm tra của ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Mai Lan