Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/5, các đại biểu thảo luận ở tổ để thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 5 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị, đối với HĐND tỉnh vẫn giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch, HĐND huyện bố trí 1 Phó chủ tịch, còn số lượng các Ban của HĐND vẫn giữ như hiện hành; nhưng Trưởng Ban phải chuyên trách, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu kiểm sát và giám sát của Luật Chính quyền địa phương.
Về phương án sáp nhập 3 Văn phòng HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH thành 1 văn phòng phục vụ chung cho các cơ quan, đại biểu đề nghị, giữ nguyên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh để đảm bảo tính liên thông và tính chuyên nghiệp trong tham mưu cho hoạt động của Đoàn ĐBQH.
Góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng hiện nay, dự thảo Luật chưa đánh giá đầy đủ, vai trò quan trọng của công chức cấp xã- đội ngũ vốn được xem là nơi gần dân, sát dân, nơi tổ chức, triển khai chính sách, chủ trương, là tai mắt của các cấp chính quyền. Nhưng hiện nay lại coi công chức cấp xã thấp hơn công chức cấp huyện. Nếu cứ nhìn nhận như thế chúng ta sẽ khó chọn người tài về làm công chức cấp xã. Vì vậy đại biểu đề nghị nên quy định chung, không phân biệt các loại công chức cấp xã, huyện, tỉnh như hiện nay.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; đồng thời đóng góp ý kiến cụ thể về các quy định: nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế; các điều cấm; vấn đề khai thuế, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, xóa nợ thuế; công tác kiểm tra, thanh tra thuế, xử phát vi phạm thuế; về kỹ thuật xây dựng văn bản... nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính cụ thể của dự thảo Luật.
Mai Lan