Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Đinh Tiến Dũng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2018 thu ngân sách tăng 8% so với dự toán, cơ cấu chuyển dịch tích cực, đáp ứng yêu cầu. Ngành thuế đã tích cực thu hồi nợ đọng. Bội chi ngân sách và tốc độ gia tăng nợ công đã giảm và được xử lý tốt. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Việc bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp nước ngoài là khó, vì có liên quan đến sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Đinh Tiến Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: TTXVN
Hiện nay việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng rất thông thoáng nhưng sự quản lý còn lỏng lẻo. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, để đảm bảo được cơ cấu chi cần đẩy mạnh sự nghiệp xã hội hóa đặc biệt là y tế, giáo dục. Giáo dục và đào tạo, dạy nghề còn có quá nhiều trì trệ, dư địa còn lớn. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo nguồn lực để cải cách tiền lương, để chi cho đầu tư...
Tham gia thảo luận tại tổ, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản đồng tình với báo cáo đánh giá của Chính phủ, cho rằng trong năm 2018, với sự nỗ lực của Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương, nền kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng. Kết quả đó đã củng cố niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ.
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với quan điểm của Chính phủ: ổn định kinh tế vĩ mô là một nội dung quan trọng và là mục tiêu số một. Nhiệm vụ hiện nay là cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đổi mới cơ cấu mô hình tăng trưởng, đi vào thực chất, có sự bứt phá.
Đại biểu cũng đánh giá cao những chính sách của Chính phủ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất công nghiệp, hình thành các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, đơn cử như việc Bộ Công thương và Bộ Tài chính tham mưu để Chính phủ ban hành Quy định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã tạo ra những hiệu quả cao.
Từ chính sách này mà ở địa phương, nhất là ở Ninh Bình đã có nhiều thuận lợi hơn trong phát triển công nghiệp ô tô, hiện nay ngành này đã đóng góp 2/3 ngân sách của tỉnh. "Nói như vậy để thấy rằng chỉ một động thái về thể chế đã tạo ra động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó cần phải quan tâm cải cách thể chế nhằm tạo ra những động lực phát triển hơn trong thời gian tới"- đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần khắc phục ngay tình trạng giải vốn đầu tư công chậm; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nên khai thác những lợi thế từ căng thẳng Mỹ- Trung...
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng bày tỏ những băn khoăn trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi hiện nay đang có diễn biến phức tạp. Đại biểu đề nghị việc phòng, chống dịch tả phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề phát triển giáo dục, đại biểu đề nghị cần khắc phục những bất cập của ngành, trước mắt kỳ thi THPT Quốc gia cần phải được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn, chất lượng và không có tiêu cực. Bên cạnh đó, vấn đề chạy trường, chạy lớp cho con mỗi khi vào đầu năm học cũng cần phải được quan tâm khắc phục.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Mai Lan